Chăm sóc và phòng bệnh cho cá trong thời điểm giao mùa

Thứ hai - 29/05/2023 02:59 258 0
Trong nuôi trồng thủy sản, thì phòng bệnh cho cá nuôi trong thời điểm chuyển giao mùa rất quan trọng. Thời điểm này các mầm bệnh trên cá phát triển rất nhanh và mạnh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn…Nhằm giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt trong thời điểm này cần thực hiện một số biện pháp dưới đây.
1. Quản lý môi trường ao nuôi:
Điều đầu tiên quan trọng trong khâu phòng bệnh là chuẩn bị ao nuôi sạch, được bón vôi diệt tạp loại trừ mầm bệnh trong ao nuôi.
Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi tạt đều xuống ao nuôi để khử trùng và diệt mầm bệnh trong nước ao, liều lượng là từ 1 – 2 kg/100m2.
 
Khử trùng ao nuôi 
Theo dõi diễn biến thời tiết, các chỉ số môi trường ao nuôi như: DO (oxy hòa tan trong nước), hàm lượng NH3, độ pH (7,0 – 8,0), …của nước để kịp thời điều chỉnh.
Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao như EM, Bio-bacter… định kỳ 2lần/tháng. Khi môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm hay có những biến đổi bất thường do: tảo tàn, chất hữu cơ trong ao nhiều thì cần thay nước hoặc dùng một số các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như Zeolife, MK-MIC, Bio-bacter hoặc BKC… để xử lý tảo và làm ổn định môi trường ao nuôi, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
Đặc biệt chú ý vào những ngày thời tiết thay đổi, khi cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu Oxy thì cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, …
2. Chăm sóc và phòng bệnh cho cá:
Định kỳ 2 – 4 lần/tháng bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 1 –5g/kg thức ăn, thường xuyên trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 3 – 5g/kg thức ăn. Ngoài ra tăng cường sức đề kháng cho cá bằng các loại thức ăn giàu đạm.
Khi thời tiết thay đổi đột ngột cần giảm lượng thức ăn của cá từ 40–50% so với lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày để tránh thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước.
Có thể dùng lá xoan bó thành từng bó thả xuống ao hoặc nấu lá xoan lấy nước tạt xuống ao với liều lượng 0,2 – 0,3 lá xoan/m3 nước để phòng bệnh cho cá, diệt ký sinh trùng, trùng mỏ neo, …
Thời tiết vào thời điểm giao mùa hay nắng nóng và những trận mưa bất chợt, môi trường nước ao nuôi dễ biến động ngày đêm, cần duy trì mức nước 1 – 1,5m để ổn định môi trường nước.
Thường xuyên quan sát hoạt động của cá nuôi vào sáng sớm, chiều tối, những ngày mưa nhiều và hoạt động của cá khi cho ăn. Khi có hiện tượng bất thường cần xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tác giả bài viết: Đường Thế Đạo
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây