Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 18/07/2023 03:46 172 0
Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Phước đã có các Nghị quyết, Đề án, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến điều điều, thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chế biến điều chính là ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh, mỗi năm đóng góp từ 27-45% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào GRDP khoảng 11%. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của tỉnh đạt 1,045 tỷ USD. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.
I. Tình hình phát triển điều Bình Phước
1. Về sản xuất điều của tỉnh
Bình Phước là thủ phủ của cây điều, diện tích trồng điều hiện 152.007 ha, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, ước đạt năng suất 1,1 tấn trong niên vụ năm 2022 - 2023; tập trung chủ yếu tại 04 huyện: Bù Đăng (khoảng 60.800 ha), Bù Gia Mập (khoảng 30.300 ha), Phú Riềng (khoảng 23.600 ha), Đồng Phú (gần 17.000 ha). Trong đó, khu vực sản xuất điều cho năng suất bình quân cao đạt từ 1,8 tấn/ha có khoảng 50.000 ha tập trung tại các xã: Bom Bo, Minh Hưng (huyện Bù Đăng), Bình Thắng (huyện Bù Gia Mập); Phú Trung (huyện Phú Riềng). Khu vực điều sản xuất quảng canh trên diện tích đất không thích hợp năng suất không cao, bình quân dưới 0,6 tấn/ha. Từ năm 2020-2022, toàn tỉnh xuống giống được 3.018 ha điều, 100% diện tích xuống giống được sử dụng là các loại giống điều ghép có năng suất từ 2,5 tấn/ha.
Ngành Nông nghiệp và PTNT chủ động hướng dẫn các đơn vị chuyên môn tích cực, linh hoạt, đổi mới công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng điều theo tình hình mới để hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật; các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho vườn điều. Kết quả từ năm 2020-2022 đã triển khai được 250 lớp tập huấn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng. Ngoài ra, để công tác phát triển giống được nhân rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tuyên truyền, phổ biến các cơ sở giống thực hiện quy định mới của Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018 về tự công bố cây trồng mới, khuyến khích địa phương phát hiện các cây đầu dòng, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Điều khảo nghiệm các giống hiệu quả trên điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh.
Sản xuất điều được phát triển dưới nhiều hình thức liên kết phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của nông dân. Hiện có khoảng 38 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất Điều với khoảng 3.200 ha xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ và chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.
2. Về chế biến điều của tỉnh
Bình Phước đã hình thành ngành công nghiệp chế biến điều với 1.416 cơ sở, chiếm số lượng cơ sở chế biến điều nhiều nhất trên cả nước, trong đó 33 doanh nghiệp vừa, 115 doanh nghiệp nhỏ, 1.254 doanh nghiệp siêu nhỏ.
Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất đi trên 40 quốc gia trên thế giới như: Liên minh EU, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc..., chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động tại 1.416 cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn.
Thực hiện nhiệm vụ theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh tại Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 24/02/2020 về Ban hành quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại 525 cơ sở chế biến hạt điều theo quy định tại (cơ sở gọi chung cho công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh), trong đó có 242 cơ sở chế biến nhân hạt điều, 283 cơ sở chế biến sâu từ nhân hạt điều với trên 35 sản phẩm rất phong phú, đa dạng như: hạt điều rang muối, hạt điều vị: XO, mật ong, phô mai, nước cốt dừa, hương thảo, socola, gừng, wasabi…, điều hỗn hợp, bánh hạt điều (bánh hạt điều, bánh mì từ hạt điều), sữa hạt điều, kẹo hạt điều, dầu ăn từ hạt điều, miến dong từ hạt điều... lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế.
Từ công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các cơ sở từng bước hoàn thiện nguồn lực, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, thiết lập các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để chế biến thực phẩm theo quy trình công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường tiêu thụ. Năm 2012, cả tỉnh có 01 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm (tiêu chuẩn ISO 22000 tại công ty TNHH Mỹ Lệ). Qua quá trình tuyên truyền, hướng dẫn kết hợp với công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay đã 420 cơ sở chế biến hạt điều áp dụng các tiêu chuẩn như: GMP, HACCP, ISO 22000, BRC
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện công tác giám sát an toàn thực phẩm, từ năm 2020 đến nay Sở đã lấy 90 mẫu hạt điều tại các cơ sở chế biến điều để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả 100% mẫu hạt điều được kiểm nghiệm đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Về công nghệ chế biến điều của tỉnh 
Công nghệ chế biến điều tại Bình Phước đạt mức tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới. Đến nay, duy chỉ có ngành điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung xuất khẩu công nghệ chế biến điều. Chính nhờ tự động hóa, liên tục đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến kết hợp với việc áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế về an toàn thực phẩm nên hạt điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung duy trì vị trí số 1 thế giới về chế biến và xuất khẩu nhân hạt điều trong 17 năm qua.
Thành công của ngành điều đó là công nghệ chế biến hiện đại, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ ưu việt, hiệu quả, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhờ công nghệ liên tục đổi mới, các cơ sở đã hoàn thành hệ thống các tiêu chí để được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm như: BRC, ISO 22000, HACCP...  Việc ứng dụng khoa học, công nghệ giúp cơ sở chế biết điều gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận và góp phần tăng thu ngân sách, là đòn bẩy thúc đẩy ngành chế biến điều của tỉnh phát triển, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở chế biến điều của tỉnh chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong tỉnh để chế biến…; sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa chặt chẽ. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. 
Vừa qua, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Bình Phước, từ Việt Nam nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ các nguồn cung tại châu Phi như: Bờ Biển Ngà, Togo, Tanzania, Benin. Do vậy, ngành điều Bình Phước nói riêng, Việt Nam nói chung đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước khác. Hiện nay, EU giảm nhập khẩu hạt điều từ Bình Phước nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế.
II. Một số giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều của tỉnh
Để nâng cao chuỗi giá trị ngành điều, tận dụng nguồn lực khoa học và công nghệ, ngành điều tỉnh nhà tiếp tục đầu tư khoa học, công nghệ trong sản xuất và chế biến điều, nâng sản phẩm điều chế biến sâu lên hơn 30% để giữ vững vị thế xuất khẩu. Sở Nông nghiệp và PTNT có một số giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều tỉnh Bình Phước như sau:
- Phát triển vùng nguyên liệu ổn định theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị, tạo thế chủ động cho chế biến điều, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng và chế biến điều. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ cùng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt điều như: hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các mô hình thâm canh, rải vụ, thu hoạch nhiều lần trong năm phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; thực hiện tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, áp dụng tưới chủ động ở những nơi thuận lợi nguồn nước...; hỗ trợ cây giống để tái canh thay thế các vườn điều già cỗi, năng suất thấp bằng những giống điều địa phương được tuyển chọn có chất lượng, năng suất. Ưu tiên phát triển các vùng trồng điều tập trung, canh tác hữu cơ, an toàn, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường, sản xuất xanh gắn với lợi ích cộng đồng.
- Hỗ trợ xây dựng và đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, phát huy hiệu quả chuỗi liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm đầu ra ổn định trên thị trường. Liên kết các hộ trồng điều để cùng áp dụng kỹ thuật thâm canh, cùng mua vật tư đầu vào, cùng bán sản phẩm, nhà nước hỗ trợ thông qua các mô hình liên kết sản xuất. Liên kết giữa cơ sở thu mua, chế biến với hợp tác xã, tổ hợp tác trồng điều để đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu. Liên kết giữa các cơ sở chế biến, thương mại, tăng sức mạnh và khả năng cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, tích hợp đa giá trị dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến hiện đại và bản sắc văn hoá - xã hội, giữ vững thương hiệu sản phẩm hạt điều Bình Phước.
- Ứng dụng khoa học công nghệ để liên tục đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ nhân hạt điều bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường để gia tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường quốc tế.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo và nghiên cứu thị trường xuất khẩu để phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng, gắn sản phẩm chế biến với chỉ dẫn địa lý của tỉnh.
- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chú trọng đào đạo nguồn nhân lực, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến điều. Khuyến khích chuyển đổi số, tự động kết nối điện thoại thông minh, xây dựng các phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
- Ban hành các chính sách như: Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với người trồng điều, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu trồng điều tập trung; ưu đãi về vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chế biến điều; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến điều có công nghệ và thị trường tiêu thụ vào cụm công nghiệp để tạo thành khu, cụm liên kết chế biến tập trung, đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, có khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và các vùng lân cận đảm bảo đủ năng lực, giữ vai trò trụ cột dẫn dắt chuỗi giá trị ngành điều; chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm điều

 
Tác giả bài viết: Phạm Thị Hà
Nguồn tin: Bộ phận QLCL-Văn phòng Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay2,793
  • Tháng hiện tại46,910
  • Tổng lượt truy cập6,147,342
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây