Đề án đổi mới công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia
2014-08-27T04:24:14-04:00
2014-08-27T04:24:14-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-trong-nuoc/De-a-n-do-i-mo-i-cong-ta-c-khuye-n-nong-phu-c-vu-ta-i-co-ca-u-nga-nh-nong-nghie-p-735.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng Đề án đổi mới công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm triển khai chủ trương của Bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả hơn...
I. Sự cần thiết phải đổi mới công tác khuyến nông Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác khuyến nông. Do vậy Khuyến nông đã có những bước phát triển nhanh, hệ thống tổ chức khuyến nông phát triển mạnh từ Trung ương đến cơ sở. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hệ thống khuyến nông các địa phương đã tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, có những đóng góp vào thành công chung của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn những hạn chế, tồn tại đó là: + Các chương trình, dự án khuyến nông nhìn chung còn phân tán, dàn trải, công tác triển khai còn chậm đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác khuyến nông. + Việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông của các cơ quan thuộc Bộ còn lúng túng, chưa toàn diện. + Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và cơ chế đầu tư cho hoạt động khuyến nông địa phương còn thiếu tính thống nhất; việc tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cơ chế chính sách đối với lực lượng khuyến nông viên cơ sở chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành ở Trung ương nên các địa phương thực hiện còn nhiều lúng túng, bất cập, chưa phát huy tốt vai trò của lực lượng khuyến nông cơ sở. + Chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa khuyến nông nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để huy động nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên là: + Việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án khuyến nông trung ương còn chưa bám sát các chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước và của Bộ. + Nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông còn chưa linh hoạt, đa dạng, hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông còn chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu của sản xuất. + Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, nhất là khuyến nông cơ sở còn yếu. + Công tác quản lý nhà nước về khuyến nông của Bộ chưa tốt và chưa thực hiện đầy đủ theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông. + Một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông như Thông tư 15/2013/TT-BNNPTNT của Bộ, Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN còn nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy cần thiết phải đổi mới công tác khuyến nông, trong đó trọng tâm là đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên phạm vi toàn quốc. II. Căn cứ để đổi mới công tác khuyến nông Đổi mới công tác khuyến nông phải bám sát và phục vụ trực tiếp cho các chương trình trọng điểm của ngành Nông nghiệp và PTNT, cụ thể là: 1. Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. 2. Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. 3. Chương trình Đào tạo nghề cho Lao động Nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. 4. Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng tránh và thích ứng với BĐKH theo Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ. 5. Các tiến bộ khoa học, công nghệ đã được Bộ công nhận và nhu cầu thực tiễn của nông dân, của sản xuất. III. Mục tiêu của đổi mới công tác khuyến nông 1. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 2. Phát huy cao hơn vai trò, năng lực, kinh nghiệm của hệ thống khuyến nông nhà nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở; huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. 3. Điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách về khuyến nông phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhu cầu thực tiễn sản xuất; đổi mới phương thức quản lý và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và PTNT. IV. Các nội dung cụ thể về đổi mới công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp 1. Đổi mới về nội dung hoạt động khuyến nông: Tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các sản phẩm chủ lực phục vụ trực tiếp Đề án tái cơ cấu ngành, các TBKT có khả năng bứt phá và có sức lan tỏa mạnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp (bao gồm cả chuyển giao kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm). Các nội dung hoạt động khuyến nông trọng tâm từ nay đến năm 2020 bao gồm: 1.1. Giai đoạn 2014- 2016: a/ Công tác thông tin tuyên truyền khuyến nông: Tập trung tuyên truyền, phổ biến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin sản xuất, thị trường, giá cả phục vụ tái cơ cấu; tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “bốn nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững. b/ Công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông: - Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, ưu tiên trọng tâm cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. - Thực hiện thí điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ kỹ thuật viên ngành nông nghiệp cấp xã (như thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản, người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, cán bộ HTX,...) và đào tạo các nông dân tham gia sản xuất nông sản hàng hóa gắn với quy hoạch nông thôn mới nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết ”bốn nhà” trong sản xuất nông nghiệp. c/ Các dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông: Tập trung triển khai các dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2014- 2016 đã phê duyệt; đồng thời tiếp tục bổ sung thêm các dự án khuyến nông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo quy trình GAP và một số dự án khuyến nông dành cho công tác xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn; thực hiện thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) với các doanh nghiệp đối với một số sản phẩm, ngành hàng chủ lực. 1.2. Giai đoạn 2016- 2020: a/ Công tác thông tin tuyên truyền khuyến nông: Tập trung vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác khuyến nông (điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình,…). Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông về xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, liên kết bốn nhà để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững. b/ Công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông: Tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn (cán bộ khuyến nông, các kỹ thuật viên ngành nông nghiệp và nông dân sản xuất hàng hóa) để đảm bảo tính bền vững của hoạt động khuyến nông và góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. c/ Các dự án xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông: Tập trung vào các dự án khuyến nông sản xuất theo quy trình GAP, các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến nông công nghệ cao, các dự án phục vụ chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, mở rộng các dự án khuyến nông hợp tác với doanh nghiệp theo hình thức PPP nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các chương trình, dự án khuyến nông đếu tập trung vào phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao như: + Trồng trọt: cà phê, cao su, lúa gạo, các loại rau, quả nhiệt đới, hạt tiêu, hạt điều, ... + Chăn nuôi: chăn nuôi gia cầm trang trại, gia súc lớn, chăn nuôi lợn hàng hóa, phát triển chăn nuôi động vật bản địa phát huy lợi thế từng địa phương. Chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. + Lâm nghiệp: Phát triển trồng rừng gỗ lớn, rừng cây nguyên liệu thâm canh phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. + Thủy sản: cá da trơn, tôm, các loại thủy đặc sản,... + Áp dụng cơ giới hóa sản xuất đồng bộ; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản gắn với các vùng sản xuất trọng điểm. + Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; tăng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, nguồn lợi biển, rừng); tăng cường áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học. 2. Đổi mới về cơ cấu và nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông: - Đối với kinh phí khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước: ưu tiên đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (hàng năm tăng 10- 12% theo như cam kết với ADB). Kinh phí phân bổ hàng năm tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với cơ cấu như sau: + Nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên (thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện khuyến nông): chiếm 30- 35% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm. + Các dự án xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông: chiếm khoảng 65- 70% tổng kinh phí khuyến nông hàng năm, trong đó có khoảng 10% kinh phí dành cho các dự án khuyến nông thực hiện theo cơ chế đối tác công tư (PPP) với các doanh nghiệp. - Đối với các nguồn kinh phí khuyến nông ngoài ngân sách: đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông theo cơ chế đối tác công tư (PPP) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông. 3. Đổi mới về phương pháp hoạt động khuyến nông: chú trọng hơn việc đào tạo tập huấn, công tác truyền thông, tăng cường áp dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong hoạt động khuyến nông (như: điện thoại, internet, phát thanh, truyền hình,…) để nâng cao hiệu quả của các hoạt động khuyến nông. Cụ thể: - Đối với hoạt động trình diễn và nhân rộng mô hình: đổi mới phương thức đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn khuyến nông: + Coi trọng đánh giá tính nổi trội và hiệu quả của các TBKT, các công nghệ mới trong mô hình. + Đánh giá phương pháp tổ chức chỉ đạo xây dựng và thực hiện mô hình. + Khuyến cáo các nội dụng, địa bàn có thể mở rộng và các điều kiện cần thiết để mở rộng mô hình có hiệu quả (điều kiện sinh thái, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vốn, đất đai, điều kiện tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,...). + Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn gắn với mô hình để phổ biến và nhân rộng mô hình ra sản xuất đại trà. - Đối với hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin khuyến nông điện tử (E-extension), đẩy mạnh tuyên truyền khuyến nông qua truyền hình, phát thanh, tổ chức các sự kiện khuyến nông, khuyến nông xúc tiến thương mại kết nối “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản cho nông dân. - Đối với hoạt động đào tạo huấn luyện khuyến nông: đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn khuyến nông theo hướng gắn với các mô hình trình diễn khuyến nông, gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thời lượng thực hành, tham quan thực tế, áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông. - Đối với hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông: tăng cường tư vấn khuyến nông trực tiếp qua internet, điện thoại, các chuyên mục hỏi đáp trên truyền hình, truyền thanh,... 4. Đổi mới về cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông trung ương: a/ Về công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động khuyến nông: phân công hợp lý để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý khuyến nông theo hướng như sau: - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đầu mối phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để tổ chức thực hiện 07 nhiệm vụ quản lý nhà nước khuyến nông trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ. - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đầu mối hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông và chủ trì tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trung ương (kể cả các đơn vị trong và ngoài Bộ) trên phạm vi toàn quốc. - Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố: chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các dự án khuyến nông trung ương thực hiện trên địa bàn và có kế hoạch mở rộng dự án ra sản xuất đại trà. b/ Về việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trung ương: áp dụng cơ chế đặt hàng thay cho cơ chế đăng ký trước đây để bảo đảm tính tập trung có trọng tâm trọng điểm, sát với chủ trương tái cơ cấu ngành và đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu quả dự án khuyến nông: - Về đơn vị chủ trì: lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để giao chủ trì dự án khuyến nông trung ương. - Về đơn vị thực hiện: Các nội dung, hợp phần dự án thực hiện tại các địa phương sẽ giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thành phố chủ trì thực hiện nội dung hoặc hợp phần đó. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các chương trình, dự án khuyến nông trung ương để bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho nông dân. 5. Đổi mới các cơ chế chính sách về khuyến nông: a/ Giai đoạn 2014- 2015: - Cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị định số 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông. - Tập trung sửa đổi và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông (Thông tư số 15/2013/TT-BNNPTNT; Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNN; Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức khuyến nông địa phương và tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ khuyến nông cơ sở) theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Hội nghị về đổi mới công tác khuyến nông ngày 22/4/2014 (Thông báo số 2085/TB-BNN-VP ngày 29/4/2014). - Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi Nghị định, đến năm 2015 tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 02 và đề xuất kế hoạch sửa đổi Nghị định với Chính phủ. Trong đó đặc biệt lưu ý về chính sách xây dựng và phát triển Quỹ khuyến nông nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư ổn định và lâu dài phục vụ công tác khuyến nông. b/ Giai đoạn 2016- 2020: Tiếp tục đổi mới các cơ chế chính sách về khuyến nông theo hướng tăng cường áp dụng các phương pháp khuyến nông mới, đẩy mạnh khuyến nông công nghệ cao; đồng thời xây dựng bổ sung các chính sách khuyến nông xã hội (hợp tác công tư, đối tác công tư, tư vấn dịch vụ khuyến nông,...) nhằm huy động, thu hút nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khuyến nông. V. Kinh phí thực hiện Đề án Tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động khuyến nông, đồng thời huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, nông dân, người sản xuất đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 1. Kinh phí khuyến nông trung ương: Kinh phí khuyến nông trung ương năm 2015 dự kiến là 300 tỷ đồng, các năm tiếp theo dự kiến như sau: - Giai đoạn 2015- 2016: kinh phí dành cho khuyến nông tăng 12%/năm theo như cam kết với ADB, đồng thời thực hiện thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư (PPP) đối với một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, chè,... - Giai đoạn 2016- 2020: kinh phí dành cho khuyến nông tăng 10%/năm, tiếp tục đẩy mạnh các dự án khuyến nông hợp tác PPP với mục tiêu tăng nguồn kinh phí đầu tư từ các doanh nghiệp cho hoạt động khuyến nông đạt từ 20- 25% kinh phí đầu tư của ngân sách nhà nước. 2. Kinh phí khuyến nông địa phương: Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện đổi mới công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tỉnh, thành phố cần quan tâm tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông địa phương và đầu tư kinh phí để tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. 3. Kinh phí khuyến nông ngoài Nhà nước: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông nhằm huy động, thu hút nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông, mục tiêu đến năm 2016 các nguồn lực của các doanh nghiệm đạt khoảng 20- 25% kinh phí ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt khoảng 50% kinh phí ngân sách nhà nước. VI. Giải pháp để thực hiện Đề án 1. Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông Nhà nước: a/ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: - Rà soát, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm để đảm bảo vai trò, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông và chủ trì tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trung ương (kể cả các đơn vị trong và ngoài Bộ) trên phạm vi toàn quốc. - Bổ sung đội ngũ cán bộ để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trung ương: đề nghị Bộ bổ sung thêm 10 biên chế cho Trung tâm tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp Nam bộ tại Sóc Trăng và Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và chuyển giao công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên tại Bình Phước. - Bổ sung, tăng cường năng lực, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm và các đơn vị trực thuộc để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. - Đề nghị Bộ cho thành lập Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và chuyển giao công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên tại Bình Phước trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để làm nhiệm vụ đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên. b/ Hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố: - Các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở theo quy định của Nghị định 02/2010/NĐ-CP về Khuyến nông. - Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố theo hướng: một số tỉnh hiện nay còn đang giao nhiệm vụ khuyến ngư cho Trung tâm thủy sản, Chi cục thủy sản tỉnh thì đề nghị chuyển về Trung tâm khuyến nông tỉnh theo đúng quy định của Nghị định 02; xây dựng, nâng cấp các Trung tâm khuyến nông tỉnh thành các Trung tâm đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện Đề án đào tạo nghề của Chính phủ. - Bố trí đủ kinh phí phục vụ hoạt động khuyến nông và cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. 2. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông: Sửa đổi Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông, trong đó có quy định về mức kinh phí tối thiểu hàng năm đầu tư cho hoạt động khuyến nông để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của công tác khuyến nông. 3. Đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện trong hoạt động khuyến nông: - Phân công hợp lý, tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông trung ương. - Đổi mới cơ chế xác định danh mục dự án khuyến nông, xét chọn đơn vị chủ trì, đơn vị thực hiện để tiết kiệm thời gian, kinh phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông. - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, có áp dụng phương pháp đánh giá của chuyên gia độc lập nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án khuyến nông. 4. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về khuyến nông: Từng bước đổi mới các hoạt động khuyến nông ở Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực của khuyến nông quốc tế, trước mắt tập trung vào đổi mới phương pháp hoạt động và cơ chế tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông. VII. Kiến nghị, đề xuất 1. Đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ sớm xem xét, phê duyệt Đề án để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố có căn cứ triển khai thực hiện. 2. Đề nghị Bộ sớm phê duyệt quyết định điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và bổ sung biên chế, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị trực thuộc để có đủ năng lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 3. Đề nghị Bộ có văn bản gửi cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường quan tâm đến công tác khuyến nông, phát triển hệ thống tổ chức và đầu tư kinh phí cho hoạt động khuyến nông theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: TS. Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia