Một số giải pháp phát triển cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững

Thứ hai - 16/01/2017 10:21 620 0
Vừa qua, tại Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân huyện CưMgar tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”. Chương trình thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Tham dự diễn đàn có đại diện Cục Trồng trọt, Viện Khoa học Kỹ thuật NLN Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Tây Nguyên; đại diện ban quản lý Dự án VnSAT, một số nhà khoa học, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, cùng 190 nông dân thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp với phân bón và phương thức trồng cà phê mới tạo hình đa thân trồng dày tại thôn 6, xã EaKpam, huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi – Q.Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, năm 2016 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, lượng nước trong mùa mưa giảm ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng cà phê năm 2016. Mưa trái vụ tháng 11-12 có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê năm 2017. Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm này sẽ kịp thời đưa ra các giải pháp giúp giảm thiểu tác nhân có nguy cơ gây giảm năng suất cà phê năm sau. Các câu hỏi được đặt ra tại diễn đàn tập trung vào các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê bền vững tại Tây Nguyên như hạn hán, mưa trái vụ, sâu bệnh hại, bệnh vàng lá, thối rễ... Đặc biệt, nhiều đại biểu đã nêu lên những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án VnSAT về ngành hàng cà phê tại Tây Nguyên. Các câu hỏi được ban cố vấn giải đáp đầy đủ, cơ bản đã thỏa mãn được thắc mắc của đại biểu tham dự. Để sản xuất cà phê hợp lý, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cần thực hiện đồng bộ các khâu từ quy hoạch, giống, biện pháp canh tác, liên kết sản xuất tiêu thụ... Một số giải pháp đã được đưa ra tại Diễn đàn: - Tái canh vườn cây già cỗi, vườn bị bệnh cần tái canh theo hướng linh hoạt. Do đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu thuộc nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, cà phê là nguồn thu nhập chính của hộ. Theo quy trình tái canh 2 năm cải tạo đất, 3 năm trồng kiến thiết cơ bản sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và đời sống của nông hộ trong thời gian dài. Vì vậy, tùy điều kiện và tình hình thực tế có thể tái canh toàn bộ vườn, hoặc chỉ tái canh những cây già cỗi, sâu bệnh. - Áp dụng tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân hợp lý để giúp cây cà phê nở hoa tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm công lao động, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. - Ghép cải tạo cần linh hoạt, có thể ghép một phần của cây, ghép cách cây... để không trắng thu cả năm. Đẩy mạnh sản xuất cà phê có chứng nhận theo UTZ Certify, 4C, Rainforest Alian, VietGAP… sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. - Trồng xen hợp lý các loại cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ... để nâng cao hệ số sử dụng đất trong vườn cà phê; cải thiện môi trường sinh thái, giảm áp lực tưới nước trong mùa khô; giảm thiểu những rủi ro do biến động thời tiết, sâu bệnh, giá cả, tăng thu nhập cho người sản xuất. Kết luận tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi yêu cầu Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên hướng dẫn nông dân tại địa phương về giống, kỹ thuật sản xuất, tư vấn về chính sách, thị trường tiêu thụ cà phê. Đồng thời đề nghị bà con nông dân trong quá trình sản xuất cần chủ động tìm hiểu thông tin thông qua cán bộ khuyến nông cơ sở để được giải đáp kịp thời, đây là kênh tin cậy và dễ tiếp cận, có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu về thông tin của người sản xuất.
Nguồn tin: Đoàn Thanh niên Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây