Việt Nam gia nhập TPP: Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp

Thứ hai - 16/11/2015 02:23 1.476 0
Đầu tháng 11/2015, Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị toàn thể IGS 2015 “Việt Nam gia nhập TPP: triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp” nhằm giới thiệu tổng quan nội dung các cam kết của TPP có liên quan đến ngành nông nghiệp Việt Nam, đánh giá tác động của TPP tới ngành nông nghiệp và thảo luận các cơ hội, thách thức và giải pháp tận dụng tốt nhất Hiệp định TPP cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tại Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan với các lộ trình từ xóa bỏ ngay, từ năm thứ 3, từ năm thứ 8, năm thứ 11 đến năm thứ 12 hoặc năm thứ 13 tùy sản phẩm. Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với 2 nhóm hàng nhạy cảm là thịt lợn và thịt gà mặc dù đã có cam kết mở cửa tại các Hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+. Đồng thời duy trì mức bảo hộ đối với 3 trong 4 nhóm mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối. Các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội thị trường lớn hơn cho nông lâm thủy sản Việt Nam. Đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những cơ hội, thách thức và các giải pháp đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP. Theo ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), để tận dụng cơ hội từ Hiệp định TPP mang lại cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản; không ngừng nâng cao năng suất, phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ sản xuất của ngành. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khi gia nhập TPP, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản; mức độ trung bình đối với gạo, cà phê, cao su, gỗ, điều; mức độ tác động tiêu cực sẽ đến với ngành chăn nuôi. Hiệp định TPP mở cho Việt Nam thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực với mức thuế bằng 0%. Đồng thời, tạo cơ hội để đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao trình độ kỹ năng lao động, quy mô phát triển sản xuất. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, tham gia Hiệp định TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi chịu sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước. Với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh sẽ bị thiệt hại ở những mức độ khác nhau. Bởi vậy, để phát huy lợi thế và tận dụng cơ hội từ TPP, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp thực hiện các cam kết đồng bộ, đồng thời cần khẩn trương có những điều chỉnh kịp thời ở tầm chiến lược trên một số lĩnh vực. Xem xét điều chỉnh về cơ chế chính sách, đặc biệt, đề xuất những chính sách hỗ trợ nông hộ nhỏ ở những lĩnh vực có nhiều thách thức. Đồng thời, lồng ghép những yêu cầu thực hiện các cam kết TPP vào quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp./. Theo cpv.org.vn
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây