Nông nghiệp Việt Nam đón sóng TPP: Doanh nghiệp nông nghiệp “ứng phó” với TPP

Thứ ba - 24/11/2015 06:06 732 0
Những tồn tại của ngành nông nghiệp không phải xuất hiện trong ngày một, ngày hai mà chỉ đến khi vào TPP, cùng một “sân chơi” với những thị trường lớn, năng động thì sức ép cạnh tranh mới rõ ràng và mới được đem ra “bóc”, “gỡ”. Qua đó, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi để có thể tồn tại, phát triển trong bối cảnh kinh tế mới.
* Để không “lạc lõng” khi hội nhập Ý thức được những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) ngay từ năm 2005 đã có những “bước đi” thích ứng với bối cảnh kinh tế khi Việt Nam gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), WTO và đang chuẩn bị cho lộ trình AEC và TPP. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty VISSAN, doanh nghiệp đang đầu tư cho vùng nguyên liệu từ cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát được từ nguyên liệu cho đến sản xuất giết mổ, bán ra. Đối với thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống từ các nhà máy giết mổ, Công ty cũng đã đầu tư xây dựng một cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín có quy mô lớn nhất nước ở Long An với công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực này. “Nếu doanh nghiệp không đầu tư cho hàm lượng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị… thì việc hội nhập của doanh nghiệp sẽ “lạc lõng ”, không phát huy được những tiềm năng sẵn có của ngành”, ông Văn Đức Mười khẳng định. Để hội nhập với TPP, Vinamilk đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi theo hướng ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu chế biến các sản phẩm sữa của Công ty theo tiêu chí đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng, giá cả cạnh tranh hợp lý. Mục tiêu của doanh nghiệp này đến năm 2020 sẽ quản lý đàn bò khoảng 200.000 con cùng với hệ thống cung cấp sữa tươi đáp ứng 40% nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa của Công ty. Theo ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Vinamilk, để cạnh tranh được trong môi trường TPP, Vinamilk tập trung vào một số nội dung chính như: tăng cường công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng Việt Nam. Vinamilk sẽ tiếp tục củng cố và giữ vững thị trường trong nước, đồng thời có kế hoạch mở rộng thị trường, xuất khẩu ra chính các nước trong TPP. Riêng về ngành gỗ, ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành chế biến gỗ hơn là thử thách. Hiện nay, trước làn sóng đón đầu TPP, các công ty Hoa Kỳ, Nhật Bản trước đây thường mua nguyên liệu gỗ của Trung Quốc nhưng nay họ đang chuyển hướng sang mua hàng của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp trong nước được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời từ các chính sách điều hành của Nhà nước, Hiệp hội, họ có thể tận dụng các cơ hội do TPP mang lại. Ông Võ Trường Thành cũng cho biết, 10 năm trước Công ty đã trồng rừng và đến nay có khoảng 14.000 ha đang trong thời kỳ khai thác luân kỳ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguyên vật liệu mà còn có thể cung cấp ra thị trường một khối lượng nguyên phụ liệu đáng kể, đảm bảo quy định về xuất xứ hàng hóa khi xuất sang các nước TPP. Thay vì khai thác nhiều rừng trồng trong năm nay, Hội đồng quản trị của Công ty cũng đã quyết định dời sang khai thác vào những năm tới để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và tận dụng giá bán tốt hơn. * Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững Là một doanh nghiệp Nhà nước “đầu tàu” trong ngành lúa gạo, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2) cũng đang thực hiện kế hoạch phát triển nhằm tiếp cận với những ưu đãi do TPP mang lại trong thời gian tới. Qua thực tế xâm nhập vào một số thị trường khó tính trong khối TPP của các doanh nghiệp thành viên, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc VINAFOOD 2 cho rằng, yêu cầu lớn nhất của ngành lúa gạo hiện nay là phải xây dựng được vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết cánh đồng lớn. Điều này sẽ góp phần làm nền tảng vững chắc cho chương trình chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam. Mặc dù hoàn cảnh của VINAFOOD 2 là phải tái cơ cấu toàn diện, nhưng doanh nghiệp này ngay từ vụ Đông Xuân 2014 - 2015 đã khởi động Chương trình xây dựng mô hình liên kết cánh đồng lớn - vùng nguyên liệu theo chủ trương của Nhà nước và dự kiến đến cuối năm 2015 tổng diện tích mà doanh nghiệp này xây dựng được trên 15.900 ha. Từ tháng 3/2015, phương án xây dựng mô hình liên kết cánh đồng lớn - vùng nguyên liệu của VINAFOOD 2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và đến nay có 18/18 công ty thành viên đã có phương án cụ thể gửi 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đang chờ UBND các tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng đang tập trung phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Hiện có 6/18 công ty thành viên của VINAFOOD 2 đang củng cố và phát triển 32 nhãn hiệu gạo từ nhiều năm trước đến nay, góp phần phát triển thương hiệu gạo Đồng bằng sông Cửu Long theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, củng cố hệ thống phân phối bán lẻ và đưa nhiều nhãn hiệu gạo của các công ty thành viên vào các hệ thống phân phối để thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Ở lĩnh vực thủy sản, trong thời gian qua, tình trạng các lô hàng thủy sản bị các nước nhập khẩu trả về đã buộc nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh TPP, thủy sản sản Việt Nam có tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan hay không phụ thuộc rất lớn vào điều này. Ông Quách Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thuận (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, Công ty này đang thực hiện liên kết sản xuất từ khâu con giống cho tới chế biến, nguyên liệu làm ra chủ yếu cho các nhà máy chế biến bao tiêu để xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”. Điều này không chỉ giúp kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm mà còn giúp Công ty giảm giá thành trong sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Rõ ràng, cơ hội và thách thức từ TPP đang góp phần tạo ra một bức tranh mới cho nền nông nghiệp Việt Nam, cụ thể là khi bước vào “đấu trường” mới, doanh nghiệp cần phải nâng cao sức mạnh nội lực, tăng khả năng cạnh tranh từ các khía cạnh như giá cả, chất lượng sản phẩm... đến uy tín trong việc thực hiện hợp đồng. Nếu không phát huy được “sức mạnh” nội lực của từng ngành sản xuất thì dù miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp cũng “chào thua”. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần có các cơ chế phù hợp, hỗ trợ kịp thời cũng như khuyến khích cho sự phát triển doanh nghiệp để không phải trở thành người làm công ngay trên đất của mình./. Hứa Chung Theo TTXVN
Nguồn tin: Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây