Tổng quan 5 năm (2010-2015) doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thứ ba - 15/12/2015 23:04 747 0
Đối với nước ta, hiện nay sản xuất nông nghiệp chiếm chỉ còn 18% GDP (2014), dân số sống tại khu vực nông thôn hiện chiếm gần 67%, nhưng nông nghiệp-nông thôn vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh quốc phòng và ổn định chính trị đất nước. Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế thế giới và của Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp, suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, có một tín hiệu đáng mừng là xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn bắt đầu có những đầu tư lớn và nghiêm túc vào nông nghiệp, góp phần giúp nông nghiệp thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Về xây dựng nông thôn mới: Sau gần 5 năm thực hiện, cả nước đã có 998 xã hoàn thành 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 11,2%); có khoảng 15,4 % số xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Đặc biệt số xã đạt dưới 5 tiêu chí đã giảm mạnh, từ 82% (năm 2010) xuống còn 6,75% (5/2015). Đã có 8 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 1.800 xã (chiếm 21%) và 16 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM. Thực tế đã chứng minh xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. “Nông thôn mới” đã hình thành trên thực tế, đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, ngày càng thu hút sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp. Nhờ đó huy động được nguồn lực rất lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình. Nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Dân chủ cơ sở được nâng cao hơn, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Qua đó đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM. Sau 5 năm, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của cư dân nông thôn được cải thiện và nâng cao. Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, mục tiêu là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Chuyển dịch mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy mục tiêu số lượng sang mục tiêu chất lượng, giá trị gia tăng, tăng tính hiệu quả, thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn. Kết quả tái cơ cấu đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của ngành. Năm 2014 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,49%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30, 86 tỷ USD (tăng 11,2% so với 2013). 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù gặp bất lợi do thiên tai và thị trường song giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,41% (so với cùng kỳ năm trước). Tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 67,8% (năm 2013: 64,7%). Doanh nghiệp đối với xây dựng nông thôn mới Thực tế phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2015 đã khẳng định vai trò rất to lớn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã có những đóng góp rất tích cực vào xây dựng nông thôn mới, với nhiều hình thức: - Đầu tư vào nông nghiệp, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn. Nhiều doanh nghiệp giúp tạo thêm việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn với thu nhập ổn định (điển hình như của các tập đoàn TH, Hoàng Anh Gia Lai ...). - Liên kết với nông dân/các tổ chức của nông dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, bao tiêu nông sản, tham gia tích cực phát triển chuỗi giá trị, khai thác tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tăng thu nhập... Xa hơn nữa là góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đạo tạo nên một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn (như của các công ty VinaMilk, Mía đường Lam Sơn, Bảo vệ thực vật An Giang...) - Hỗ trợ xây dựng NTM bằng vật liệu làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học, sân thể thao, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho người nghèo và gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo bằng ủng hộ giống cây trồng, vật nuôi... Trong gần 5 năm qua, tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới đạt 4,9% (tương đương 20.408 tỷ đồng). Có những doanh nghiệp nhỏ như Doanh nghiệp Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng NTM. Doanh nghiệp Phan Hải ở vùng quê nghèo Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng NTM ở địa phương... Có thể nói, mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân - là nội dung chủ yếu của Chương trình xây dựng NTM và Tái cơ cấu nông nghiệp, thì khẳng định phải có vai trò đầu tàu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (NLTS) chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%); Tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động. Về khu vực địa lý, đa số các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (72,2%). Các khu vực khó khăn khác như Trung du-Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên ở mức rất thấp (tương ứng là 7% và 11%). Số doanh nghiệp báo lỗ năm 2013 là 35,1%.v.v. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp NLTS có nhiều lợi thế, chỉ số ROS, ROA, khả năng trả lãi vay, khả năng quay vòng vốn là cao hơn so với các ngành nghề khác nhưng đây vẫn là lĩnh vực chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ vốn vào, mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi (các Nghị định 80/2011/NĐ-CP, 55/2015/NĐ-CP, các Quyết định 1956/2010/QĐ-TTg; 62/2013/QĐ-TTg, 210/2014/QĐ-TTg về tăng tín dụng, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp). Các yếu tố được xem là cản trở chủ yếu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là: quy hoạch thiếu ổn định, hạ tầng cơ sở khó đảm bảo sản xuất, chất lượng lao động nông thôn thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, khó giải phóng mặt bằng... Định hướng xây dựng nông thôn mới giúp doanh nghiệp đầu tư thuận lợi hơn vào nông nghiệp, nông thôn: Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 về xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã nêu rõ những định hướng và giải pháp sau: (1) Hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các xã (nhất là giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế), đảm bảo kết nối hiệu quả với hệ thống hạ tầng ở các huyện, tỉnh. - Đầu tư phát triển hạ tầng được coi là khâu đột phá để tăng hưởng thụ trực tiếp của cư dân nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. - Tập trung vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách phục vụ tái cơ cấu. Ưu tiên cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cơ bản thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp; - Có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hạ tầng NTM theo hình thức PPP (với các loại công trình, dự án có khả năng thu hồi vốn thông qua thu phí). (2) Tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu, dựa vào lợi thế để tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập cho nông dân. - Xác định rõ các quy hoạch dài hạn về nông nghiệp gắn với đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. - Điều chỉnh lại tổ chức và chính sách về nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực này theo hướng: gắn kết chặt với sản xuất và thương mại, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường khoa học-công nghệ... tạo đột phá trong tái cơ cấu. - Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành: thực hiện dạy nghề theo dự án sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp dạy nghề cho lao động tại các dự án liên kết với nông dân; - Thực hiện chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”; - Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác - cầu nối liên kết nông dân và doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác (trước hết là ở các vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn). (3) Tạo bước chuyển biến rõ rệt về môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp: - Có chính sách thúc đẩy xử lý hiệu quả, an toàn chất thải rắn, nước thải nông thôn. - Ưu tiên hỗ trợ tạo các mô hình hộ, làng, xã xanh sạch đẹp, gắn với du lịch. (4) Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân nông thôn tham gia vào xây dựng NTM và tái cơ cấu. Đồng thời khuyến khích mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này (trong đó tập trung tháo gỡ về chính sách đất đai, vốn, thuế...). (5) Tăng nguồn lực cho Chương trình NTM và tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn: - Tăng đầu tư nguồn lực từ ngân sách, giảm các chương trình, dự án chồng chéo, cơ chế sử dụng vốn kém hiệu quả (giảm số Chương trình mục tiêu quốc gia từ 16 xuống còn 2 chương trình, các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn nông thôn đều hướng vào thực hiện các tiêu chí NTM); - Khuyến khích đầu tư tư nhân vào hạ tầng nông thôn (hình thức PPP) và liên kết trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản; - Tăng cường thu hút vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn; - Lập quỹ xây dựng NTM ở các cấp; - Có chính sách thúc đẩy nhanh hơn một số tiêu chí thiết yếu trong xây dựng NTM (sản xuất, môi trường, văn hóa). Đồng thời nghiên cứu cách làm và chính sách đặc thù cho các vùng khó khăn (Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng biên giới, hải đảo, bãi ngang) để đẩy nhanh tốc độ là chất lượng xây dựng NTM ở các vùng này. (6) Đẩy mạnh cải tiến và nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đổi mới của xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp. Đó là những định hướng chủ yếu, những giải pháp cơ bản về xấy dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương”. Hiện tại, các nội dung này không chỉ đang được các Bộ, ngành Trung ương triển khai mà các địa phương trên cả nước cũng đang thực hiện tích cực. Đây là môi trường mới, kỳ vọng sẽ đưa đến những cơ hội mới để các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo các địa phương vì lợi ích của nông dân. Hy vọng các vướng mắc, khó khăn, những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách của Chính phủ và cách làm của các địa phương sẽ được tháo gỡ, tạo được môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư, đóng góp to lớn và hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của nước ta trong giai đoạn tới.
Nguồn tin: (Hệ thống văn bản của tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây