"Săn" xoài Cát Chu để xuất khẩu

Thứ tư - 20/01/2016 03:16 470 0
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đổ xô đến các nhà vườn tại Đồng Tháp để đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu xoài xuất khẩu...
Sau khi xoài cát chu Đồng Tháp chính thức có mặt tại hệ thống siêu thị AEON ở Nhật Bản vào cuối năm 2015, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đổ xô đến các nhà vườn tại đây để đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu xoài xuất khẩu. Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, địa phương này hiện có diện tích xoài hơn 9.000ha, chủ yếu là xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc, được trồng theo quy mô tập trung với hàng chục hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác sản xuất xoài theo tiêu chuẩn an toàn, rất thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng tiêu thụ. Khan hiếm xoài xuất khẩu Vào những ngày đầu năm mới 2016 này, các HTX và tổ hợp tác trồng xoài ở vùng chuyên canh huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) liên tục đón các đoàn DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và những DN xuất khẩu trái cây trong nước đến tìm hiểu, ký hợp đồng thu mua. Do hiện nay xoài bị mất mùa, nên các đoàn này phải vất vả đi tìm những vườn xoài đang cho trái để kiểm chứng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn. Theo ông Huỳnh Thanh Bá (phó giám đốc HTX xoài Mỹ Xương), sản lượng xoài đạt thấp do mất mùa nên HTX hiện chỉ đóng gói hai lần/tuần để giao hàng cho Công ty Good Life xuất sang Nhật và một DN ở Hà Nội xuất sang Hong Kong. “Gần đây chúng tôi phải từ chối tất cả các đơn đặt hàng mua xoài xuất khẩu vì không có xoài để cung ứng. Ngay cả các hợp đồng đã ký trước đây chúng tôi cũng không giao hàng được. Ngày nào họ cũng gọi điện hỏi. Khổ hết sức” - ông Bá nói. Ông Nguyễn Thành Tài, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết Công ty In Jae (Hàn Quốc) vừa đặt lịch hẹn làm việc với UBND tỉnh trước tết để thống nhất lần cuối về việc đầu tư nhà máy chế biến xoài tại huyện Cao Lãnh. Xoài tươi sau khi được xử lý, đóng gói sẽ được Công ty In Jae xuất sang Hàn Quốc và các thị trường khác. Sau nhiều cuộc trao đổi, công ty này đã quyết định đầu tư nhà máy chế biến xoài tại tỉnh Đồng Tháp, vùng chuyên canh xoài lớn nhất vùng ĐBSCL. “Trong thời gian chờ thủ tục xây dựng nhà máy, công ty này sẽ thuê kho lạnh tại chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp để xử lý, đóng gói xuất khẩu ngay sau tết. Người Hàn Quốc rất thích xoài Cao Lãnh vì chất lượng rất ngon. Họ muốn đưa loại trái cây này về nước tiêu thụ càng sớm càng tốt” - ông Tài nói. Cũng theo ông Tài, sau khi thị trường Nhật, Hàn Quốc mở cửa cho xoài cát Cao Lãnh (thương hiệu xoài của Đồng Tháp), hàng loạt thị trường khó tính khác cũng đang xúc tiến thủ tục để đưa loại xoài này vào siêu thị nước mình. Trong năm 2016 sẽ tới lượt Mỹ và New Zealand cũng chính thức mở cửa nhập khẩu xoài cát Cao Lãnh (bao gồm cả xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc). Ở trong nước, các công ty Good Life, Yasaka, Rồng Vàng, Long Uyên, Việt Đức, Thuận Phong đã xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu với các HTX và tổ hợp tác trồng xoài với giá cao hơn thị trường từ 2.000-5.000 đồng/kg. Ngoài trái tươi, các DN này còn xuất khẩu xoài sấy khô và xoài đông lạnh sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Tài, điều lo lắng là địa phương này sẽ không đủ xoài để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu. “Sản lượng xoài của các HTX và tổ hợp tác còn khiêm tốn. Trong khi đó đa số nông dân trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp vẫn trồng theo kinh nghiệm rồi tự bán cho thương lái chứ chưa tham gia vào HTX và tổ hợp tác để sản xuất theo quy trình an toàn. Tiêu chuẩn chất lượng, an toàn mà các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra rất cao nên các HTX không thể thu mua xoài bên ngoài để giao hàng được” - ông Tài nói. Sản xuất an toàn, lợi nhuận cao Những ngày gần đây, Công ty Long Uyên ở Tiền Giang đã ký rất nhiều hợp đồng tiêu thụ xoài Cao Lãnh sản xuất theo hướng an toàn, có bao trái để cấp đông xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đại diện công ty này cho biết nhu cầu thu mua tới 50-60 tấn xoài/ngày, nhưng các HTX và tổ hợp tác ở Đồng Tháp khó đáp ứng được do họ còn phải cung cấp cho các DN khác nữa. Sau tết, khi Công ty In Jae lắp đặt thiết bị nhà máy sơ chế, đóng gói xong thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tranh mua xoài Cao Lãnh để xuất khẩu. “Xoài cát Cao Lãnh đã vào được thị trường Nhật thì chắc chắn vào thị trường khác rất dễ dàng. Đây là cơ hội rất lớn cho nông dân trồng xoài cát ở Đồng Tháp và ĐBSCL” - ông Tài khẳng định. Theo ông Tài, khu vực ĐBSCL hiện có năm tỉnh trồng xoài, trong đó Đồng Tháp có vùng chuyên canh lớn nhất. Tổng sản lượng xoài của Đồng Tháp lên đến gần 100.000 tấn/năm, trong đó 80% là xoài cát chu đã được thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khó tính khác chấp nhận. Đặc biệt, xoài cát Cao Lãnh có lợi thế là diện tích lớn, nhiều HTX và tổ hợp tác sản xuất tập trung, có tới 60% diện tích đang sản xuất theo hướng an toàn. Cũng theo ông Tài, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp vừa thành lập 42 tổ hợp tác xoài khác để tập hợp nông dân, tăng diện tích sản xuất theo quy trình an toàn đáp ứng nhu cầu của các DN. Để có xoài cung cấp cho DN quanh năm, địa phương này đang tổ chức cho nông dân sản xuất rải vụ. Những hộ xử lý cho ra trái nghịch vụ, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ được hỗ trợ bao trái và phân bón trị giá 5 triệu đồng/ha. Đến nay đã có 200ha xử lý ra trái nghịch vụ. Diện tích này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, một trong những trở ngại trong việc mở rộng mô hình này là nhiều nông dân trồng xoài tại địa phương vẫn còn chần chừ, chưa chịu vào HTX hay tổ hợp tác. Ông Đỗ Hữu Nghĩa, phó bí thư Đảng ủy xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), cho biết địa phương vận động nông dân tham gia hoặc liên kết với HTX xoài Mỹ Xương để được tiêu thụ ổn định, giá cao hơn thị trường, nhưng nhiều người chưa đồng ý vì cho rằng bán cho HTX khó hơn bán ở chợ. “Dù khó nhưng địa phương vẫn sẽ kiên trì bởi vì nông dân muốn thoát khỏi cảnh “được mùa, mất giá” nhất định phải sản xuất lớn theo đơn đặt hàng của DN. Gia đình tôi trồng 0,8ha xoài và là xã viên HTX xoài Mỹ Xương. Do sản xuất theo quy trình an toàn nên chi phí giảm, đầu ra ổn định mà giá cao nên lợi nhuận tăng hơn trước. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu lợi gần 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những nông dân ngoài HTX” - ông Nghĩa nói./.
Nguồn tin: Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây