Các nội dung chính liên quan đến lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Bương – Hiệp định TPP

Thứ tư - 17/02/2016 21:11 1.110 0
I. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và vai trò đối với sự phát triển ngành của nông lâm thủy sản
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 Thành viên của cả 3 Châu Lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Mười hai thành viên của Hiệp định TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cấu. Thương mại khu vực TPP chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định trong nhiều năm gần đây. Trong đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trưởng xuất khẩu quan trọng hàng đầu, đặc biệt là đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội thị trường lớn hơn cho nông lâm thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định cũng thỏa thuận nhiều vấn đề khác có liên quan đến sự phát triển bền vững của nông lâm ngư nghiệp như khai thác hải sản, chống đánh bắt bất hợp pháp, khai thác động thực vật hoang dã trái phép. Hiệp định cam kết một cơ chế thông thoáng hơn để mở cửa lĩnh vực đầu tư nói chung và đầu tư vào nông nghiệp nói riêng. Các Thành viên TPP cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo. TPP cũng cho phép cho phép nhà đầu tư nước ngoài được khởi kiện Chính phủ tại Trọng tài quốc tế theo quy tắc trọng tài khách quan, công bằng và minh bạch – đây là một cam kết nhằm đảm bảo đầu tư với tiêu chuẩn cao. Chương Các biện pháp SPS của Hiệp định đưa ra các nguyên tắc chính nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại gồm; cam kết chỉ áp dụng các biện pháp ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối xử (NT), công nhận tương đương, công nhận các vùng không dịch bệnh, minh bạch hóa biện pháp, cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thuận lợi hóa quy trình kiểm tra, tham vấn kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các Bên. Biện pháp SPS của Hiệp định áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của hiệp định TPP. Chương Quy tắc xuất xứ hàng hóa giữ mức cam kết tương tự như các FTAs Việt Nam đã ký, một số sản phẩm (sản phẩm nhạy cảm đối với sản xuất hoặc nguồn lợi chung) có mức cam kết cao hơn các FTAs hiện có. Chương Sở hữu trí tuệ của Hiệp định cũng đạt được một số thỏa thuận liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với nông hóa phẩm và thời hạn bảo hộ dữ liệu nông hóa phẩm. Về cơ bản, cam kết này tương đối phù hợp với các Thành viên TPP. Nội dung toàn văn Hiệp định có thể tham khảo chi tiết tại địa chỉ: http://tpp.moit.gov.vn/ http://tpp.moit.gov.vn II. Các cam kết về Nông nghiệp Ngoài các nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa nêu ở phần trên, các thành viên TPP thống nhất thêm một số nguyên tắc áp dụng với hàng nông sản như sau: 1. Xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản Các thành viên TPP cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Dây là một cam kết quan trọng, là mục tiêu đàm phán giữa các thành viên WTO hiện nay nhằm giảm bớt hàng rào bảo hộ nông sản ở một số thành viên phát triển như Hoa Kỳ, EU. 2. An ninh lương thực WTO cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực tạm thời nhằm mục đích bảo đảm an ninh lương thực khi trong nước thiếu thốn lương thực trầm trọng. Trong Hiệp định TPP, các thành viên cam kết sẽ thông báo cho nhau khi một thành viên áp dụng biện hạn chế xuất khẩu nhằm mục đích trên, đồng thời cam kết tiến hành tham vấn và trao đổi thông tin với các nước thành viên có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng lương thực liên quan. Cam kết này nhằm đảm bảo những nước chủ yếu phải nhập khẩu lương thực có điều kiện tham vấn, tìm giải pháp khắc phục khi nguồn nhập khẩu bị hạn chế. 3. Không áp dụng tự vệ đặc biệt Mặc dù Hiệp định Nông nghiệp của WTO cho phép các thành viên áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để bảo hộ nông sản trong những điều kiện nhất định, các thành viên TPP cam kết không áp dụng biện pháp này đối với hàng nông sản có xuất xứ từ khu vực TPP nhằm thúc đẩy thương mại trong khu vực. 4. Thương mại đối với sản phẩm biến đổi gen Các thành viên TPP cam kết, khi luật pháp trong nước cho phép, phổ biến cho công chúng các hồ sơ cần thiết để đăng ký lưu hành trên thị trường các sản phẩm biến đổi gen, danh mục các sản phẩm biến đối gen đã được phép lưu hành trên thị trường, báo cáo và phương pháp đánh giá rủi ro là cơ sở cho việc cấp đăng ký lưu hành các sản phẩm này. Nước xuất khẩu sản phẩm thực vật chứa công nghệ biến đổi gen phải cung cấp cho nước nhập khẩu kết quả đánh giá rủi ro và phương pháp đánh giá đã tiến hành đối với sản phẩm đó nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự hiện diện cấp thấp (LLP) của các tổ hợp biến đổi gen (rDNA) chưa được công nhận. Các nước TPP cũng cam kết cho phép các nhà phát triển công nghệ nộp đơn đăng ký lưu hành trên thị trường các sản phẩm biến đổi gen và xem xét các đơn này nếu phù hợp với luật pháp của mỗi nước. Hiện nay, về cơ bản, cơ sở pháp lý trong nước đã phù hợp với cam kết này. III. Kết quả cơ bản về Tiếp cận thị trường các nước Thành viên khác Trong số mười một đối tác này, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru là những nước lần đầu tiên Việt Nam đạt được thỏa thuận về thương mại tự do và có những bước cắt giảm thuế lớn. Nhật Bản là đối tác Việt Nam đã từng có 2 thỏa thuận Đối tác kinh tế, cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều dòng hàng hóa mà Việt Nam có lợi ích xuất khẩu, cải thiện lớn so với 2 Hiệp định Đối tác kinh tế trước đây. Australia, New Zealand và Malaysia, Singapore, Brunei là những đối tác Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand và Hiệp định ATIGA. Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam. Với Nhật Bản, mặc dù đồng ý để Nhật Bản loại trừ mặt hàng gạo khỏi cam kết, Việt Nam đã đạt được mức cải thiện đáng kể so với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). So với VJEPA, Việt Nam cải thiện được trên 38% dòng hàng hóa, xóa bỏ thuế quan ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản; cải thiện hơn 64% dòng hàng hóa thủy sản, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam; cải thiện khoảng 17% dòng gỗ, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản. IV. Các cam kết về Mở cửa thị trường nông lâm thủy sản Việt Nam Việt Nam áp dụng nguyên tắc một bản chào đa phương cho 11 Thành viên còn lại của TPP. Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan với các lộ trình từ xóa bỏ ngay, từ năm thứ 3, từ năm thứ 8, năm thứ 11 đến năm thứ 12 hoặc năm thứ 13 tùy sản phẩm. Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng nhạy cảm là thịt lợn và thịt gà mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa tại các Hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+; đồng thời duy trì mức bảo hộ đối với 3 trong 4 nhóm mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối; riêng lá thuốc lá mở cửa hơn so với WTO. V. Các cam kết về Môi trường Theo một báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), sản lượng đánh bắt hải sản tự nhiên của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương chiếm khoảng trên 40% sản lượng đánh bắt tự nhiên toàn thế giới. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 Thành viên của cả 3 Châu Lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương được cho là tập hợp gồm các quốc gia tiêu thụ, sản xuất chủ yếu và chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế đối với hải sản. Bởi thế, các nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản bị đánh bắt tự nhiên là một trong những nội dung gây nhiều bất đồng trong quá trình đàm phán và là một trong những nội dung quan trọng của Chương Môi trường – Hiệp định TPP. Tuy nhiên, do cùng thống nhất một quan điểm chung là hướng tới xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do có trách nhiệm với các mối quan tâm chung và đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời dỡ bỏ các yếu tố phi công bằng, bóp méo thương mại hải sản trong khu vực và trên thế giới, các nước TPP đã đưa ra các cam kết quan trọng như sau: 1. Xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt mà hoạt động đó được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức; Và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp cho các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo. 2. Cam kết minh bạch hóa mọi chính sách và dữ liệu có liên quan đến các chương trình trợ cấp đánh bắt. 3. Cam kết thực hiện các biện pháp quốc gia cảng biển và quốc gia tàu treo cờ cũng như các kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế nhằm ứng phó và giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và hành vi thương mại các sản phẩm đó. Để thực thi các cam kết liên quan đến xóa bỏ trợ cấp như nêu ở mục 1, các nước có thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với từng Bên để hài hòa hóa mọi chính sách liên quan. Riêng Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 2 năm nếu có cơ sở thể hiện sự cần thiết phải có thêm thời gian chuyển tiếp. Nối tiếp tinh thần chia sẻ trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững, các nước TPP cũng đạt được thảo thuận tiêu chuẩn cao về các vấn đến liên quan đến bảo tồn và thương mại động thực vật bị khai thác trái phép. Sự bao trùm về địa lý của chính Hiệp định này cùng với các đặc thù về vị trí địa lý của các Thành viên cũng khiến cho khả năng xử lý vấn đề bảo tồn động thực vật hoang dã có liên quan đến thương mại trở thành một trong những mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Quá trình đàm phán về nội dung này đã đạt được những kết quả mang tính tiêu chuẩn cao như sau: 1. Cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên thực thi đầy đủ các cam kết tại Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ (CITES), 2. Tăng cường hợp tác giữa các nước TPP với nhau và trong các khuôn khổ hợp tác khác để chống lại tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép. 3. Cam kết triển khai các chương trình bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên 4. Các nước cũng tiến xa hơn nữa trong cam kết ngăn chặn hành vi khai thác trái phép hoặc thương mại động thực vật bị khai thác trái phép chứ không chỉ dừng trong phạm vi của các loài có nguy cơ. Mở rộng phạm vi trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc cho phép sử dụng luật môi trường của các vùng lãnh thổ khác ngoài khu vực TPP, nơi diễn ra hoạt động khai thác làm cơ sở tham chiếu, xác định tính bất hợp pháp của hành vi buôn bán động thực vật hoang dã. 5. Cam kết cũng công nhận các quốc gia Thành viên có toàn quyền trong việc xác định mức độ đáng tin cậy của các bằng chứng, toàn quyền trong việc xác định biện pháp phù hợp để ngăn chặn các các hành vi khai thác trái phép và hành vi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đó, trên cơ sở pháp luật trong nước. Mặc dù là một trong số những thành viên cuối cùng thông qua kết quả đàm phán của cấp kỹ thuật, Việt Nam, với những nỗ lực thực hiện cam kết và vai trò trong các nỗ lực quốc tế trong nhiều năm qua. Việt Nam tin tưởng rằng với môi trường pháp lý tiến bộ hiện nay, cùng với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết là điều kiện, hoàn cảnh tốt để Việt Nam thực thi các cam kết tiêu chuẩn cao của Hiệp định. VI. Cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam Ngoài những cơ hội có thể nhìn thấy ngay dựa trên dữ liệu thương mại và các cơ hội có thể định lượng, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định có những cơ hội sau: 1. Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. 2. Tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu; 3. Tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao; 4. Tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); 5. Tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; 6. Nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; 7. Tạo thêm động lực phát triển ngành, phát triển kinh tế và xã hội 8. Tạo động lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế và môi trường chính sách; thúc đẩy tính minh bạch của môi trường chính sách Bên cạnh đó, cơ hội cũng luôn luôn đi kèm với thách thức. Việc xác định rõ các thách thức là cần thiết để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong quá trình hội nhập, các thách thức được xác định cơ bản như sau: 1. Hạn chế về năng lực cạnh tranh 2. Khó khăn trong việc đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ do sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu 3. Thiếu thông tin, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới, thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước. 4. Thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh. 5. Hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực. 6. Hạn chế trong việc vận dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại và giải quyết tranh chấp 7. Môi trường chính sách chưa hoàn thiện đầy đủ; chưa được thực hiện đồng bộ và thiếu biện pháp chế tài, tồn tại hạn chế trong thực thi quy định. VII. Giải pháp của ngành nông nghiệp Việt Nam Để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định các nhóm giải pháp chính như sau: 1. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam 2. Tăng cường nhân lực; nâng cao năng suất lao động; phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành 3. Đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu 4. Khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật và các quy định khác 5. Nâng cao năng lực phân tích và dự báo thị trường; 6. Nâng cao khả năng vận dụng cam kết và các biện pháp được áp dụng trong các FTAs 7. Tăng cường năng lực cho Hiệp hội ngành hàng và Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế
Tác giả bài viết: Vụ Hợp tác quốc tế
Nguồn tin: (Hệ thống văn bản của tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây