Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định lại vai trò quan trọng của cộng đồng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng cho biết, cuộc tọa đàm sẽ tiếp cận cộng đồng không phải là một mô hình, thiết chế mà là một tư duy, một cách tiếp cận mới mẻ. Bộ trưởng mong rằng những câu chuyện bàn luận tại tọa đàm hôm nay sẽ giúp hiểu chiều sâu và giá trị của cộng đồng để thoát ra khỏi tư duy hành chính. Từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, giờ đây có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy tiếp cận từ cộng đồng đã được khởi phát từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Tọa đàm chính là để xem lại những định hướng và nội dung của cách tiếp cận cộng đồng.
“Một mô hình có thể thay đổi bằng một mô hình nhưng tư duy lại được kết tinh, chọn lọc từ những kinh nghiệm của thế giới. Đã đến lúc cần hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, không chỉ tiếp cận theo chiều hướng từ trên xuống dưới mà cần cách nhìn đa chiều từ dưới lên trên, huy động thế mạnh của cộng đồng vào phát triển nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) Cao Đức Phát cho biết, các nhà kinh tế hay nói về chính sách, các nhà kỹ thuật nói về kỹ thuật và các nhà quản lý hành chính thường hay nói về các biện pháp hành chính, nhưng phát triển nông nghiệp không phải là vì cây lúa hay con heo mà vì người nông dân là chính. Vì thế, phát triển ngành nông nghiệp phải được coi là công tác nông vận, đồng thời kết hợp với chính sách, kỹ thuật và giải pháp hành chính. Chúng ta không thể chỉ dùng ngân sách để có thể phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn một bền vững được nếu thiếu sự tham gia, đóng góp của người nông dân. Nông nghiệp, nông thôn muốn phát triển ổn định, bền vững được phải dựa và nông dân.
“Bài học mà chúng ta rút ra từ mấy chục năm vừa qua là phải dựa vào nhân dân, nông dân, phải phát huy vai trò tập thể, khong chỉ mỗi hộ gia đình mà cộng động nông dân để phát triển kinh tế tốt hơn. Làm thế nào để mục tiêu này đạt được hiệu quả cao hơn, đó là lý do chúng ta cùng ngồi đây để cùng chia sẻ trong tọa đàm hôm nay”, ông Cao Đức Phát nói thêm.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Bản chất của cộng đồng và làm sao để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển nông nghiệp nông thôn; các kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cộng đồng và kinh nghiệm phát triển cộng đồng tại Việt Nam; các địa phương chia sẻ một số cách làm cộng đồng hiệu quả…
Là người có nhiều năm nghiên cứu và trăn trở với phát triển kinh tế cộng đồng, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mở đầu bài phát biểu bằng việc nhắc đến sự gắn bó giữa 3 thực thể là: cơ chế thị trường, Nhà nước và cộng đồng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Ông Sơn cho rằng: Nếu chúng ta chỉ dựa vào nhà nước thì sẽ quá tải, nhà nước không thể làm được. Vì vậy cần có sự tham gia của người dân với tư cách là một cộng đồng vào xây dựng và ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Để phát triển lại mô hình cộng đồng nông thôn, ông Sơn cho rằng cần tổ chức ra đơn vị cộng đồng nhân dân như hiệp hội ngành nghề, tổ hợp tác, hội quán. Đồng thời, lấy hoạt động kinh tế phát triển tổ chức cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP chia sẻ, với tư tưởng xuyên suốt cộng đồng tham gia – làm chủ - hưởng lợi, với phương châm tư duy toàn cầu – hành động cơ sở, cộng đồng luôn là trung tâm, chủ đạo của Chương trình tài trợ nhỏ UNDP (SGP).
Trong hơn 30 năm qua, SGP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội triển khai thành công nhiều sáng kiến cộng đồng về môi trường và cải thiện sinh kế cho người dân ở 136 quốc gia trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa, quản lý rừng bền vững và quản lý rác thải, rác thải nhựa… SGP thực thiện 27.348 dự án, cung cấp tổng số 752,9 triệu USD. Hiện nay, có 1.771 dự án đang thực hiện với tổng số tiền tài trợ là 62,9 triệu USD.
Hoạt động ở Việt Nam từ năm 1999, với phương châm này, SGP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội 183 dự án cộng đồng tại 45 tỉnh, thành phố. Trong đó, hỗ trợ hàng trăm cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sinh kế dưới tán rừng (các loại cây thuốc), bảo tồn các giống, loài quý hiếm (rùa biển, voọc..), bảo vệ nguồn lợi thủy sản, san hô, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý rác thải, rác thải nhựa và du lịch cộng đồng.
Tại tọa đàm, tinh thần Saemaul Undong (Hàn Quốc), dự án Làng thí điểm Saemaul tại Việt Nam, Hợp tác xã Saemaul; phương pháp phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng - phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD) cũng được chia sẻ.
Những chủ thể trực tiếp tham gia thực hiện các mô hình, dự án về cộng đồng đã chia sẻ về một số kinh nghiệm. Trong đó, có quá trình hình thành và phát triển Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - Xóm Cường, (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên); Cộng đồng tham gia bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thủy sản (tỉnh Bình Thuận); Sản xuất nông nghiệp theo hướng đa tầng gắn với du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp của Minh Tâm hội quán, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa vào cộng đồng. Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ và giải pháp giúp cho các tổ chức cộng đồng nhân rộng các mô hình, dự án hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cộng đồng và tổ chức cộng đồng trong đổi mới sáng tạo, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ mới, quảng bá sản phẩm... để phát triển sinh kế bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường....
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nêu ra một số yếu tố để có thể phát triển được các mô hình cộng đồng hoạt động hiệu quả, đó là: 1) Cần có nhận thức rõ ràng và đúng đắn trong các cộng động về mục tiêu muốn hướng đến; 2) Cần có sự quan tâm, ủng hộ từ các lãnh đạo địa phương, điều này là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho các cộng đồng phát triển; 3) Có định hướng rõ ràng, từ cấp Trung ương đến cơ sở, đến từng thôn, từng xóm để có thể phát triển đúng hướng; 4) Cần có cán bộ, có nhân lực nòng cốt để thực hiện, những nhân tố này phải có tâm huyết và “tốt nhất là đã được đào tạo, có kiến thức từ trong nước và quốc tế để làm việc hiệu quả hơn”; 5) Có môi trường chính sách, pháp lý thuận lợi, trong đó quan tâm đến việc trao quyền cho các cộng đồng để bà con có thể phát huy khả năng của mình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc không tận dụng nguồn lực từ các cộng đồng có thể tạo ra một sự trông chờ, ỷ lại, làm tê liệt sáng kiến, sáng tạo và năng lượng trong cộng đồng. Như vậy, cần kích hoạt sự tham gia của các cộng đồng, như thành lập các hội quán để kích hoạt sự tham gia, tự chủ và tự lực của cộng đồng.
Theo Bộ trưởng, cần có thiết chế, thiết lập bài bản các chuyên đề, giáo trình để phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, những giáo trình này cũng cần dễ hiểu, dễ tiếp xúc đối với người dân để mô hình cộng đồng có thể được thẩm thấu và lan tỏa hiệu quả tại các địa phương. Từ đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, giúp giải bài toán thị trường.
Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, vai trò của cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng. Bộ trưởng mong rằng những vấn đề được đưa ra tại buổi tọa đàm sẽ giúp các cơ quan quản lý hiểu được chiều sâu và giá trị của cộng đồng, thoát ra khỏi tư duy hành chính để từ đó, bên cạnh quản lý dựa vào công cụ pháp luật, thể chế, có thể tiếp cận cách quản lý dựa vào cộng đồng. Bộ trưởng yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX... với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa phương.
Toàn cảnh tọa đàm