Rất nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định, "yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào thành công của ngành nông nghiệp là chúng ta đã nhìn nhận và đầu tư đúng cho thủy lợi. Vì thủy lợi là cái gốc để tái cơ cấu nông nghiệp, là cái gốc để tăng trưởng ngành nông nghiệp và là cái gốc để phát triển bền vững ngành nông nghiệp đến thời điểm này ở Việt Nam”.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ những trăn trở về khó khăn, thách thức của ngành thủy lợi trong tình hình mới, cũng như giải pháp để phát triển thủy lợi bền vững, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân và các ngành kinh tế khác.
Thưa Thứ trưởng, 76 năm qua, mạng lưới thủy nông nước ta ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, đóng góp đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và đất nước nói chung. Nhưng với mục tiêu mới, yêu cầu nhiệm vụ mới, thủy lợi đang đứng trước khó khăn, thách thức như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trong suốt 76 năm vừa qua, có thể nói cán bộ, viên chức, người lao động ngành thủy lợi ở nước ta đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành nông nghiệp; có rất nhiều anh hùng lao động trên các công trường; có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng trên thế giới; thậm chí không ít người xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, rồi tham gia các công trình và đã hy sinh.
Tôi còn nhớ khi tôi vào học Đại học Thủy lợi, ở quê hay gọi người làm công tác thủy nông là đội ngũ quần đùi áo bông - một hình ảnh rất đỗi thân thương với bà con nông dân. Mùa đông, họ mặc quần đùi áo bông để lội ruộng cùng bà con nông dân, rất khó khăn, rất gian khổ, nhưng cũng rất vinh quang.
Đến thời điểm này, có thể nói Đảng và Nhà nước đã đầu tư rất nhiều để có hệ thống thủy lợi khá đồng bộ và rộng khắp trên cả nước, góp phần cải tạo đất, khai khẩn đất hoang cũng như sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên của quốc gia.
Tuy nhiên, có những hệ thống được đầu tư từ thời Pháp thuộc tuổi thọ hàng trăm năm và đa số những hệ thống thủy lợi hiện nay đã 60, 70 năm, đến nay xuống cấp rất trầm trọng. Đây là thách thức thứ nhất.
Thứ hai, cả một quá trình dài chúng ta tập trung đầu tư công trình để phục vụ nông nghiệp và nhất là phát triển lúa nước. Nhưng ngày nay, thủy lợi phải phục vụ tưới cho cây công nghiệp, cây ăn trái; cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao, cấp nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác… Do đó, thủy lợi phải chuyển từ đơn mục tiêu sang đa mục tiêu. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành thủy lợi.
Vấn đề thứ ba là trước đây chúng ta tính toán để đầu tư xây dựng công trình đảm bảo vận hành hiệu quả trong điều kiện tự nhiên thông thường. Đến bây giờ, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mọi thứ. Vấn đề của ngành thủy lợi là phải cân đối, điều hòa được các nguồn nước từ chỗ thừa sang chỗ thiếu; làm thế nào để mùa mưa thì phải tích được nước, tới mùa khô sử dụng; làm thế nào để nước sinh lợi chứ không phải nước gây họa. Có thể nói, biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với ngành trong thời điểm hiện nay.
Vấn đề thứ tư, công suất tưới các công trình hiện nay đạt 85%. Như vậy vẫn còn 15% rủi ro. Nếu 15% rủi ro ấy rơi vào diện tích cây ăn trái thì chắc chắn sẽ bị thiệt hại rất lớn, có thể phải 10 năm sau mới có thể phục hồi lại được. Nên chúng ta không thể chấp nhận điều đó, phải đảm bảo phục vụ 100% diện tích cây trồng lâu năm giá trị cao trong mọi tình huống.
Ngoài những khó khăn trên, ông trăn trở điều gì về vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thủy lợi?
Đây cũng chính là thách thức thứ năm mà tôi muốn nhấn mạnh. Phải khẳng định, muốn ngành nào phát triển thì cũng phải có nhân lực. Chúng ta đã có một thế hệ cán bộ có thể nói là rất chuẩn mực, có tri thức, có năng lực và đặc biệt là có kỹ năng chuyên môn rất tốt.
Tuy nhiên, tôi đang rất lo thế hệ tiếp theo sẽ như thế nào. Lo vì hiện nay các ngành đào tạo liên quan đến thủy lợi chuyên sâu không tuyển sinh hoặc tuyển sinh rất ít. Trường lớn nhất là Đại học Thủy Lợi thì trong 3.500 sinh viên tuyển mới 1 năm hiện nay, chỉ có hơn 100 bạn là theo ngành thủy lợi truyền thống, còn lại học các ngành khác.
Vậy làm thế nào để có một nguồn nhân lực đủ mạnh, có nguồn nhân lực sẵn sàng đương đầu và giải quyết được những khó khăn, áp lực đặt ra cho ngành hiện nay là thách thức đặt ra trong thời gian sắp tới.
Thưa Thứ trưởng, chúng ta có thể tin tưởng, Chiến lược phát triển ngành thủy lợi, Đề án An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; Quy hoạch lại tổng thể mà ngành thủy lợi đang làm sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề trên không?
Trước những thách thức rất mới đặt ra cho ngành, cần phải có những tư duy mới với cách tiếp cận khác. Do đó, quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề cũng phải khác. Những cái khác này sẽ được giải quyết cơ bản ở ba chủ trương rất lớn mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xây dựng và thực hiện.
Thứ nhất là trong Chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã được Thủ tướng phê duyệt), chúng ta đưa ra đường hướng phát triển mới với các yêu cầu mới, trên tinh thần thủy lợi là một ngành kinh tế quan trọng, phải tính đúng, tính đủ về giá nước. Từ tính đúng, tính đủ giá nước, các dịch vụ liên quan đến nước cũng phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo đủ yêu cầu.
Đặc biệt, định hướng xuyên suốt trong chỉ đạo về phát triển thủy lợi là thủy lợi phải góp phần đảm bảo được nguồn nước, đảm bảo được an ninh nước trong mọi tình huống.
Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng xong Đề án An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, sản phẩm quan trọng nhất của Đề án này là sẽ có một Chương trình đầu tư công trung hạn cho an ninh nguồn nước trong 10-20 năm tới của Quốc gia.
Đề án này đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến đến tháng 10/2021, Quốc hội sẽ có phiên làm việc bàn riêng về Đề án này. Nếu Đề án được thông qua, đây có thể nói là một tin rất vui cho những người làm thủy lợi. Bởi, chúng ta không chỉ có chủ trương, cơ chế chính sách mà sẽ có nguồn lực để thực hiện những vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay cho ngành thủy lợi.
Thứ ba, về Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai thời kỳ 2021 – 3030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay chúng tôi đã làm đến bước cuối cùng, đã xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia. Dự kiến cuối năm nay, Chính phủ sẽ thông qua Quy hoạch này.
Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng một quy hoạch chuyên ngành quốc gia về thủy lợi và phòng chống thiên tai. Trong quy hoạch, có rất nhiều điểm mới được đưa vào để các ngành, các địa phương căn cứ vào đó để đưa vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, ngành mình.
Ví dụ, các địa phương, ngành sẽ xác định cụ thể diện tích từng khu vực, địa bàn để phục vụ nước. Địa bàn nào, lĩnh vực nào không phục vụ được nước thì phải chuyển sang cây cơ cấu cây trồng khác, các công việc khác. Còn nếu địa bàn nào, lĩnh vực nào đã xác định phục vụ được thì phải làm bằng được.
Thưa Thứ trưởng, nhìn vào tầm vóc của những công trình lớn như hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, cống Cái Lớn - Cái Bé… mới được đầu tư, rõ ràng tư duy trong quản trị nguồn nước; trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi đã được nâng lên tầm cao mới?
Đúng như vậy. Nếu nói về ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi thì chúng tôi vẫn đánh giá là chúng ta chậm, nhưng chắc. Chậm vì đối với các công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình lớn, không có khái niệm thử nghiệm, không có cơ hội để thử nghiệm mà phải chuẩn rồi mới đưa vào làm.
Chẳn hạn, một hồ, đập lớn nếu mất an toàn, vỡ đập thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng khủng khiếp. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta không đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào. Mà tất cả những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên thế giới hiện nay ngành thủy lợi đều đã ứng dụng.
Và có rất nhiều tiến bộ khoa học mới hiện nay ngành thủy lợi đã đi trước các ngành khác. Ví dụ như công nghệ tro bay trong thi công đập thủy lợi. Hoặc các công trình như cống Cái Lớn, Cái Bé ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới về hệ thống cơ khí, hệ thống đóng mở, vận hành tự động… của châu Âu và Mỹ.
Các công nghệ về đường ống, chúng ta đã chuyển rất mạnh từ đường ống hở sang đường ống kín và đặc biệt ở những vùng khó khăn độ dốc lớn, đối mặt với lũ, bão thường xuyên… thì cơ bản dùng đường ống kín.
Riêng Tân Mỹ, chúng ta đã có 30km đầu tiên một hệ thống đường ống thép dẫn nước với đường kính hơn 2m. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có đường ống thép lớn như thế.
Trong trung hạn 2021–2025, chắc chắn công nghệ này sẽ được ứng dụng nhiều hơn bởi nhu cầu chuyển nước từ vùng thừa, đủ nước sang vùng khô hạn, vùng thiếu nước là rất lớn.
Hoặc một loạt các công trình thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long cần điều tiết mặn ngọt, nếu không ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thì không thể vận hành được.
Nguồn nước ngày càng khan hiếm, vậy làm thế nào để chúng ta sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí như hiện nay?
Trong Đề án An ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước mà Chính phủ sắp trình Quốc hội có rất nhiều giải pháp phi công trình và công trình, nhưng có một giải pháp rất quan trọng liên quan đến trữ nước.
Cụ thể, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng các hồ chứa nước lớn và tiếp tục nghiên cứu, chỉnh trị các dòng sông để sử dụng nguồn nước này. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các hồ nước tích trữ nước không tập trung, tức là các hồ chứa nhỏ nằm phân tán cho các vùng cực hạn.
Bởi vì, theo khảo sát, tất cả những nơi có thể làm hồ chứa nước lớn ở Việt Nam chỉ trữ được khoảng 2 tỷ m3. 5 năm vừa qua, chúng ta đã làm những hồ bổ sung vào hệ thống hồ trữ nước thủy lợi là 1,5 tỷ m3.
Do đó, kinh nghiệm quan trọng nhất ở đây là phải nghiên cứu, đầu tư vào quá trình khảo sát, thiết kế đúng. Những hồ nào có thể làm được, thì phải làm ngay. Bởi vì khi chúng ta làm sớm thì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ thấp hơn. Thứ hai là khi nghiên cứu kỹ rồi mới triển khai thì công trình thi công rất nhanh và tiết kiệm hơn.
Thực tế, tại hai tỉnh khô hạn nhất ở Việt Nam hiện nay là Ninh Thuận và Bình Thuận, chúng ta đã có hồ Tân Mỹ và Sông Lũy. Riêng hồ Tân Mỹ ở Ninh Thuận chúng ta xây dựng rất nhanh trong vòng 4 năm và sau khi xây dựng xong hồ này đã tích được 200 triệu m3 nước (bằng tất cả các hồ hiện nay của Ninh Thuận cộng lại).
Quan trọng nhất của hồ này là dùng hệ thống chia nguồn nước đến các hồ nhỏ của Ninh Thuận. Như vậy, chúng ta có hệ thống cung cấp nước, đảm bảo cho 50% diện tích của Ninh Thuận không khô hạn nữa. Đây là tiến bộ rất mới và cách thức tiếp cận của ngành thủy lợi.
Trong 10 năm tới, chúng tôi tính toán sẽ xây dựng hết tất cả những hồ chứa lớn về thủy lợi ở Việt Nam và sau năm 2030 sẽ tính toán nâng cấp các hồ để nâng dung tích các hồ chứa hiện tại lên.
Như Thứ trưởng vừa chia sẻ về nỗi lo thiếu hụt đội ngũ nhân lực có trình độ trong lĩnh vực thủy lợi, làm thế nào để chúng ta có thể nâng cao hiệu quả vận hành các công trình thủy lợi, khai thác tối đa giá trị của nguồn nước?
Chúng ta đã nói khá nhiều về câu chuyện xây dựng các công trình, nhưng vấn đề là khi xây xong rồi, việc khai thác nó như thế nào. Trong khi đó, những dự án đầu tư mới thường là các công trình hiện đại, cần phải có khoa học kỹ thuật chứ không chỉ khai thác theo kiểu các công trình cũ ngày xưa. Thậm chí, ngay cả các công trình cũ, chúng ta cũng phải đưa các yếu tố kỹ thuật vào để hệ thống phát huy giá trị cao hơn.
Hiện nay, lực lượng lao động tại các công ty thủy nông chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo và số lượng kỹ sư rất ít. Đây là vấn đề lớn đặt ra.
Trong Đề án An ninh nguồn nước, chúng tôi đã đề xuất những cơ chế, chính sách để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó có đào tạo chuyên sâu cao ở các trường đại học, viện nghiên cứu kết hợp đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ vận hành các công ty, cấp chứng chỉ cho cán bộ đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước…
Trong suốt chặng đường 76 năm qua, chủ thuyết xuyên suốt trong phát triển thủy lợi của Việt Nam là gì, thưa Thứ trưởng?
Phải khẳng định, chúng ta không thể phục vụ được tất cả các nhu cầu về nước, vì như tôi đã nói, các nhu cầu về nước rất đa dạng, tính chất cũng khác nhau. Ngành thủy lợi phải chỉ rõ chỗ nào thì phục vụ được và chỗ nào không phục vụ được. Điều này rất quan trọng.
Và câu hỏi đặt ra là thủy lợi đi trước hay đi sau các ngành kinh tế? Về nguyên tắc thì thủy lợi phải đi trước. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, bây giờ ngành thủy lợi ít khi được đi trước mà thường là đi sau. Đơn cử, trong sản xuất nông nghiệp, bà con thấy xã bên có cây trồng gì hiệu quả cao là trồng theo mà chưa tính toán đến các nhu cầu, yêu cầu đáp ứng về nước.
Nhưng, chúng tôi khẳng định, triết lý của ngành thủy lợi là thủy lợi phải đi trước các ngành kinh tế khác và khi đã đi trước các ngành khác thì phải bằng mọi cách, mọi giải pháp phục vụ tối đa nhu cầu về nước.
Thưa Thứ trưởng, ngày 28/8 hàng năm là ngày truyền thống ngành thủy lợi, ông muốn gửi gắm những thông điệp gì cho những người làm công tác thủy lợi Việt Nam?
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gửi thư chúc mừng toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành thủy lợi.
Nhân đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: trước khó khăn và thách thức, chưa bao giờ cán bộ, công nhân viên trong ngành thủy lợi chấp nhận đầu hàng mà luôn luôn biết cách vượt qua. Khó khăn, thách thức cũng là điều kiện để chúng ta phát huy sáng kiến, sáng tạo, cũng là tiền đề để chúng ta tập hợp trí tuệ và đoàn kết nhân lực.
Ngành thủy lợi sẽ luôn luôn giữ được vị trí, vai trò quan trọng của mình và xứng đáng là một trong những ngành kinh tế phục vụ cho các ngành kinh tế khác.