Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó Dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Vì vậy, năm 2021 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD (Chính phủ giao 42 tỷ USD); (3) Trên 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 62%) và 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 193 đơn vị); (4) Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 76% (Chính phủ giao 75%); (5) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng (Chính phủ giao 42%). Giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,85-2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%.
Năm 2021 là một năm toàn ngành vượt qua sóng gió và nỗ lực đương đầu, thích ứng linh hoạt với khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường nông sản toàn cầu bị đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng để đạt được nhiều thành công mới. Ngành nông nghiệp đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, tạo ra tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây.
Năm 2022, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp; là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (NLTS) 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vượt khó và những kết quả đạt được của ngành, của các địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta chuẩn bị kết thúc năm 2021, một năm đầy khó khăn, thử thách do đại dịch covid -19. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò bệ đỡ, là cứu cánh góp phần ổn định đời sống người dân trong những lúc khó khăn và còn bảo đảm lương thực cho một phần thế giới.
Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của ngành nông nghiệp, như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của ngành; công tác dự báo còn nhiều hạn chế; phát triển chưa bền vữn,g chưa dựa nhiều vào công nghệ và chuyển đổi số; chưa chủ động, linh hoạt thích ứng với diễn biến mới; thị trường xuất khẩu chưa đa dạng…
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần quán triệt nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành nông nghiệp trong trạng thái bình thường mới.
Về mục tiêu năm 2022 Thủ tướng yêu cầu cần đặt ra mục tiêu cao hơn năm trước: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; song song với đó, trên tinh thần chung là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải không ngừng nâng cao giá trị tuyệt đối của ngành nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và ở khu vực nông thôn. Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ. Bộ NN&PTNT cần làm tốt vai trò quản lý, hướng dẫn, thúc đẩy, tạo điều kiện để các địa phương tự lực phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của mình.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường quản lý nhà nước, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính không thật sự cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, để người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác hiệu quả, bền vững đất, nước và rừng. Xác định rõ các nội dung cần chỉnh sửa, thẩm quyền để tiến hành sửa ngay nhằm tháo gỡ những nút thắt về chính sách, giải phóng nguồn lực và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Toàn ngành phải tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Thủ tướng tin tưởng ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022 và thời gian tới sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng, và cam kết đưa vào những chủ trương, hành động trong thời gian tới của ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2021 trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm, nâng cao cuộc sống của người dân cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Trong đó, tăng hàm lượng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… sẽ là những định hướng chính của ngành nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021 là nhờ sự đồng hành của toàn xã hội, của sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ ra những thách riêng của ngành, như thẻ vàng IUU, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Bộ trưởng khẳng định: Bộ NN&PTNT sẽ tập trung nghiên cứu Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm, xây dựng mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh.