Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ban ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu nông dân tiêu biểu, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Hội nghị là cơ hội cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, thách thức và các kiến nghị, giải pháp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Các nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề như: nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; thúc đầy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp; vốn, tín dụng; môi trường ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc; phát triển và giữ rừng; ứng dụng khoa học, công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai và của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Các đối thoại tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất; ổn định giá vật tư nông nghiệp; đảm bảo đầu ra cho nông sản; hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất; xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam; chính sách hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19; chuyển đổi số trong nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; đào tạo nghề cho, việc làm cho nông dân ly nông không ly hương; quy hoạch phát triển các cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã; bảo hiểm nông nghiệp; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn; giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn; phát triển hệ thống giao thông miền núi phía Bắc, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long...
Thủ tướng cũng xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trăn trở của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Phát biểu kết luận sau đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngoài câu hỏi tại các Hội nghị đối thoại thường niên Thủ tướng Chính phủ với nông dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với nông dân vào giữa hai kỳ đối thoại của Thủ tướng để phân cấp, giải quyết các vấn đề liên quan nông thôn, nông nghiệp, nông dân kịp thời, phù hợp với địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi, chia sẻ với những khó khăn, thách thức của nông dân trong 2 năm qua đã cùng với cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19. Mặc dù dịch bệnh ở nước ta đã được khống chế, tuy nhiên diễn biến dịch bệnh này vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường, chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác đối với công tác chống dịch. Xung đột giữa Nga-Ukraine đã ảnh hưởng tới các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nước ta vì Việt Nam với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, độ mở của nền kinh tế hiện khoảng 200% so với GDP nên bị ảnh hưởng là không tránh khỏi. Chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng vẫn cần phải chủ động hội nhập chứ không có nghĩa là chỉ dựa vào tự cung, tự cấp. Chúng ta cần bám sát thực tiễn để đưa ra các giải pháp phù hợp để hóa giải khó khăn, thách thức để thúc đẩy kinh tế phát triển. Khó khăn, thách thức liên tục xảy ra vì thế chúng ta cần chủ động, đoàn kết, bám sát thực tiễn để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết khó khăn, thách thức này.
Thủ tướng nhấn mạnh: Qua 3 cuộc đối thoại trước đây cần xem xét những gì làm tốt và chưa tốt để phát huy những điểm tốt, khắc phục những điểm hạn chế, bất cập còn tồn tại. Để phát triển quan trọng nhất vẫn là nội lực của chúng ta trong đó con người là quan trọng nhất. Thứ hai cần sử dụng tài nguyên (đất, nước) một cách hiệu quả, phù hợp.
Trong tình hình thực tế hiện nay, phải đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh quá phụ thuộc vào một thị trường, kết nối chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khó khăn chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, nắm chắc thông tin để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ không thể giải quyết mọi vấn đề mà nông dân nêu ra. Hiện nay, chúng ta đã phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Vì thế, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương... phải cùng chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Các doanh nghiệp không thể thực hiện việc liên kết từng hộ nông dân vì vậy chúng ta phải xây dựng các hợp tác xã. Sắp tới chúng ta sẽ phải tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể. Nhà nước cần phải ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện, cơ chế giám sát thực hiện. Về chủ trương chuyển đổi số và tri thức hóa nông dân đây là một chủ trương lớn, các bộ, ngành trung ương phải cùng vào cuộc hỗ trợ còn nông dân cũng phải chủ động để thích ứng, học hỏi.Về vấn đề khắc phục đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa khả năng của nền nông nghiệp của đất nước để đáp ứng một phần cho chăn nuôi.
Thủ tướng gợi mở, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện đối thoại với nông dân cả nước hằng năm vào tháng 5, còn Chủ tịch UBND tỉnh phải tổ chức đối thoại với nông dân vào tháng 10,11. Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất quan trọng đối với việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thu nhập của nông dân vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn vẫn còn cao... Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng phải thích ứng cho phù hợp. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn thông minh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nhất là Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hằng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành trung ương, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chính quyền các địa phương cần phải quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của nông dân để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền để để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn.