Vậy là trái sầu riêng tươi đã sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật vừa được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nhờ vào nỗ lực đàm phán kiên trì suốt thời gian dài, cơ hội mở ra đối với trái sầu riêng tươi, trước đó là trái chanh leo, và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực đối với các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.
Đón chào sự kiện này, bao niềm lạc quan lan tỏa từ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Trọn vẹn hương vị nhiệt đới, trái cây Việt Nam luôn nhiều tiềm năng và đủ sức đáp ứng những yêu cầu đa dạng, khắt khe của thị trường thế giới. Trái cây Việt Nam đã hiện diện tại các thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand,…
Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”.
Trong những năm qua, nhờ khoảng cách địa lý thuận lợi và sự tương đồng nhất định trong văn hóa ẩm thực, nên thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ lệ cao trong xuất khẩu trái cây của chúng ta. Việc trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của chúng ta, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn bà con nông dân, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận được nhiều thông tin, phản hồi bày tỏ sự lo lắng về các bước chuẩn bị, triển khai sắp tới của chúng ta. Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, bên cạnh quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan.
Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác.
Nền nông nghiệp của chúng ta có đặc điểm là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Đặc điểm đó biểu hiện không chỉ trong sản xuất, mà còn cả trong kinh doanh nông sản. Muốn khắc phục các điểm yếu đó, không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác, liên kết: hợp tác giữa những nông dân sản xuất, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. “Buôn có bạn, bán có phường” là triết lý đem đến sự giàu có, thành công của nhiều đất nước trên thế giới. Hợp tác, liên kết còn mang tính văn hoá, văn minh trong xã hội. Thiếu tinh thần hợp tác, liên kết dễ dẫn đến cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.
Cạnh tranh cũng có tính tích cực, tạo động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cách nghĩ “tôi thắng - anh thua” dễ dẫn đến những biểu hiện cạnh tranh tiêu cực, thiếu lành mạnh. Thay vì cạnh tranh bằng tăng chất lượng, giảm chi phí, thì lại cạnh tranh bằng cách giảm giá, hạ giá bất hợp lý, để giành khách hàng. Rồi nào là cạnh tranh bằng cách giảm chất lượng, hay chỉ quan tâm đến việc thu về lợi nhuận cao nhất cho mùa vụ trước mắt, bất chấp các rủi ro, hệ luỵ dài lâu đối với toàn ngành hàng. Đó là một trong các nguyên nhân một số loại trái cây nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam, một thời háo hức bước ra thị trường thế giới, rồi dần dần biến mất một cách lặng lẽ.
“Cái bẫy” cạnh tranh tiêu cực cũng chính là điều nan giải của nhiều doanh nghiệp trăn trở lâu nay. Khi triết lý kinh doanh phổ quát toàn cầu luôn là “win-win”, “cả hai đều thắng”, “tất cả cùng thắng”, thì những hành xử thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh kém lành mạnh, dù là nhỏ nhất, chỉ càng kéo ghì mọi người, mọi việc tụt hẳn lại phía sau.
Ngay bây giờ, phải xây dựng kế hoạch bài bản phát triển ngành hàng sầu riêng, từ đó biến nó thành “thương phẩm sầu riêng” đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”. Nông dân “đi cùng nhau” trong một hình thức hợp tác. Doanh nghiệp “đi cùng nhau” trong một hiệp hội ngành hàng. Các địa phương có vùng trồng cũng cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư.
“Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam. Thương hiệu được tạo dựng từ niềm tin của người tiêu dùng, và niềm tin ấy phải được kiểm nghiệm xuyên suốt thời gian dài. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Nhiều nông dân, doanh nghiệp thành công nhờ biết giữ trọn chữ “tín” trong sản xuất, kinh doanh, biết chia sẻ rủi ro, biết bỏ qua sự thiệt hơn mang tính thời điểm, ngắn hạn. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đừng để “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài.
Vậy, muốn “đi cùng nhau”, trước hết phải “ngồi cùng nhau” trong một hệ sinh thái ngành hàng, từ cấp độ địa phương đến liên vùng. Trong hệ sinh thái đó, mọi người - từ nông dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan chuyên ngành, cùng chia sẻ cho nhau thông tin thị trường, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong sản xuất, kinh doanh. Trong hệ sinh thái đó, mọi người bàn bạc, đau đáu về cách thức tạo dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới.
Để những “sản phẩm sầu riêng” – trái tươi trên cây, trong những khu vườn trở thành “thương phẩm sầu riêng” đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc qua kênh xuất khẩu chính ngạch, tôi đề nghị các địa phương đang quan tâm, ngay bây giờ, phải xây dựng kế hoạch bài bản phát triển ngành hàng sầu riêng.
Kế hoạch đó phải thật cụ thể, bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất gắn với khuyến nông cộng đồng, hướng dẫn chuẩn hoá quy trình canh tác, vận động nông dân tham gia hợp tác xã. Kế hoạch đó phải tổ chức cho các nhà vựa, thương lái, doanh nghiệp tham gia chi hội, hội, hiệp hội hoặc một hình thức liên kết phù hợp.
Kế hoạch đó phải có những mục tiêu rõ ràng, chỉ tiêu cụ thể về quy mô sản xuất, về số lượng cán bộ kỹ thuật địa phương, cán bộ kỹ thuật của vùng trồng, cơ sở đóng gói được tập huấn về kiểm soát sinh vật gây hại, về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, về ghi chép thông tin, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hiệu quả, tiết kiệm.
Kế hoạch đó phải bao gồm những biện pháp cụ thể để hướng đến sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Và kế hoạch đó còn phải tích hợp các giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin, đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm, của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
“Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kinh doanh không chỉ là chuyện bán chuyện mua sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Người sản xuất, cũng đồng thời là người bán, trước hết, phải trân quý, nâng niu sản phẩm mình dày công tạo ra, thì người mua - người tiêu dùng cũng sẽ trân quý và sẵn lòng chi trả mức giá tương xứng.
Thương hiệu sầu riêng, hay bất kỳ ngành hàng nông sản nào khác, bắt đầu được tạo dựng từ những giá trị hữu hình lẫn vô hình như vậy. “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào đang tăng cao trên khắp thế giới, Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài cơn “bão giá”. Tôi thấu hiểu những khó khăn chồng chất trên vai bà con nông dân. Trong bối cảnh biến động như vậy, tôi cảm phục trước hình ảnh bà con nông dân Tây Nguyên và các địa phương khác đã chủ động sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm ra phân bón hữu cơ, sinh học, đã tăng cường sử dụng các loài “thiên địch”, để giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Những sáng kiến nhỏ đó đã vừa tiết giảm được chi phí, vừa từng bước hữu cơ hoá nền nông nghiệp. Những sáng kiến đó góp phần tạo dựng thương hiệu nông sản theo định hướng của nền nông nghiệp “xanh, sinh thái, bền vững”.
Một điều tôi muốn gửi gắm qua bức thư này, đó là lời đúc kết của người xưa: “Phàm việc gì chuẩn bị trước sẽ thành công, còn không chuẩn bị trước sẽ thất bại”. “Thất bại trong chuẩn bị chính là chuẩn bị cho thất bại”. Chúng ta sẽ là thành công, nếu “đi cùng nhau”, “cùng chuẩn bị trước, chuẩn bị một cách thực sự nghiêm túc”!
“Đường lớn đã mở, đi tới tương lai. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”.