Tập trung sản xuất vụ đông xuân năm 2018-2019

Thứ năm - 15/11/2018 22:51 680 0
Để chủ động trong sản xuất ứng phó tình hình thời tiết nhằm đảm bảo vụ Đông Xuân 2018-2019 đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc chủ động tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 với các nội dung sau:
1. Đối với cây hàng năm 1.1. Cây lúa. a. Thời vụ, cơ cấu, lượng giống * Thời vụ: Tập trung xuống giống vào cuối tháng 11 và tháng 12 theo các đợt sau: Đợt 1: Từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12 (20/10- 25/11 AL). Đợt 2: Trong vòng 10 ngày đầu tháng 01/2019 đối vùng chủ động nước. - Xuống giống tập trung đồng loạt né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng dựa vào số liệu bẫy đèn của huyện, thị xã đảm bảo thời gian giãn cách vụ từ vụ Mùa sang vụ Đông xuân năm 2018-2019 ít nhất từ 1- 2 tuần để cắt cầu nối lây lan của dịch hại. - Có kế hoạch tích trữ nước, gia cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động trong việc xuống giống lúa theo thời vụ khuyến cáo. Quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình tưới lúa tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi. - Khuyến cáo chuyển đổi những diện tích đã bị hạn nặng trong các niên vụ trước và không chủ động nước sang cây trồng ít sử dụng nước như Ngô, Mè, Đậu tương v.v... * Cơ cấu giống lúa Cơ cấu giống trên ruộng đảm bảo 3-5 giống chủ lực, 2-3 giống bổ sung để có thể thay thế khi gặp những điều kiện không thuận lợi. Các giống cụ thể như: Giống chủ lực: OM6976, OM5451, OM4900, OM7347, ML48, JASMIN 85,… Giống bổ sung: OM7347, OM4218, OM3536, OM4498, TH4, IR64,… * Lượng giống: Khuyến cáo lượng giống 70-80kg/ha đối với sạ hàng; 100-120kg/ha đối với sạ lan. b. Phòng trừ sâu bệnh hại - Phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá theo sổ tay hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành; Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, mở rộng ứng dụng các mô hình như “ruộng sinh thái”; “ Cánh đồng mẫu lớn ”; “1 phải 5 giảm”… để thu hút thiên địch vào ruộng lúa khống chế sâu hại. - Làm đất đúng kỹ thuật để hạn chế ngộ độc hữu cơ do tàn dư thực vật và cắt nguồn lây lan sâu bệnh từ vụ trước qua vụ sau. 1.2. Cây bắp (ngô). * Thời vụ trồng: Tập trung xuống giống trong tháng 11 đến gần cuối tháng 12 d­ương lịch. * Cơ cấu giống: - Sử dụng các giống bắp lai đơn có thời gian sinh trưởng ngắn như: CP501, CP 333, NK7328, NK66, PAC339, PAC999 super ...., các giống ngô nếp Fancy 111, P3110, MX 10,... - Để đảm bảo năng suất vụ Đông-Xuân cao, đất trồng phải chủ động tư­ới tiêu, bắt buộc tư­ới đủ nước giai đoạn cây con (từ gieo đến cây 7-8 lá), giai đoạn từ 2 tuần trước trổ cờ đến 2 tuần sau phun. * Phân bón: Để phát huy năng suất cao vụ Đông- Xuân, loại và lượng phân bón được khuyến cáo cho 1 ha như sau: Bảng 01: Thành phần, hàm lượng phân cho cây bắp vụ Đông Xuân 2018-2019. Số lần bón Thời kỳ bón Số lượng phân (kg/ha) Hữu cơ (tấn/ha) Urê Lân Kali Bón lót Giai đoạn 3-4 lá Giai đoạn 8-9 lá Giai đoạn13-14 lá 1-2 Trước gieo 7-10 Ngày sau gieo 20-22 Ngày sau gieo 40-45 Ngày sau gieo 10-15 100-133 100-133 100-133 300-450 40-50 40-50 40-50 Tổng cộng cả vụ 10-15 300-400 300-450 120-150 *Đối với sâu bệnh hại: Cần thực hiện vệ sinh đồng ruộng, gieo đúng thời vụ, tập trung, đúng mật độ, ruộng được dọn sạch cỏ dại, chăm sóc cây tốt để có thể chống chịu được với sâu hại. Có thể sử dụng 1 số loại thuốc hóa học hoặc biện pháp sinh học để trừ sâu hại khi cần thiết. 1.3. Cây rau. - Ứng dụng các mô hình nhà lưới, nhà màng, tưới nhỏ giọt; gieo trồng các cây có giá trị kinh tế cao như dưa leo, bí xanh, khổ qua… - Để giảm hàm lượng Nitrat: Bón cân đối hợp lý theo từng loại cây rau, nếu sử dụng thêm phân bón qua lá phải giảm lượng bón khoảng 20 - 50% theo khuyến cáo của quy trình và ngưng bón trước khi thu hoạch 7-10 ngày. - Để giảm hàm lượng thuốc trừ sâu, bệnh trong sản phẩm: Tuân thủ tuyệt đối sử dụng thuốc trừ dịch hại trong danh mục thuốc được phép sử dụng cho rau và đảm bảo thời gian các ly của thuốc. Hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn theo QCVN 01:132 BNNPTNT ngày 22/01/2013 hoặc TCVN 11892:1-2017 VietGAP - Phần 1: Trồng trọt. 1.4. Đối với cây sắn (cây khoai mì) - Thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh khảm lá vi rút hại sắn tại Công văn số 1305/SNN-VP ngày 24/9/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thực hiện Chỉ thị 5957/CT-BNN-BVTV ngày 6/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn (khoai mì). - Tuân thủ triệt để Quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn ban hành tại Công văn số 1605/BVTV ngày 21/7/2017 về Phương pháp điều tra phát hiện bệnh và Biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn. 2. Đối với cây lâu năm 2.1. Cây Điều * Đối với vườn điều kinh doanh. Vụ Đông Xuân cây Điều ra chồi và phát triển hoa, tạo quả bắt đầu từ tháng cuối tháng 11 kéo dài đến tháng 4 năm sau, rộ nhất là tháng 1,2. Để hỗ trợ cho cây ra chồi tập trung, ra hoa đậu quả thuận lợi cần lưu ý các biện pháp kỹ thuật như: - Khi thấy vườn Điều rụng lá khoảng 20% có thể sử dụng chất kích thích sinh trưởng như Thioure, Paclobutrazol giúp cây rụng lá đồng loạt để cây ra chồi tập trung thuận lợi trong phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc hoa và quả. - Vào giai đoạn chuẩn bị phát chồi hoa tăng cường phân bón qua lá có hàm lượng lân, ka li cao giúp cây phân hóa mầm hoa tốt nhất. - Trong giai đoạn khi cây Điều ra hoa đậu quả gặp điều kiện thời tiết mưa hoặc trời âm u kéo dài cần phải thăm vườn và có biện pháp phòng trừ bọ xít muỗi và thán thư kịp thời theo Quy trình quản lý bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều do Cục Bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Công văn số 453/BVTV-QLSVHR ngày 15/3/2017. - Trong giai đoạn điều ra hoa đậu trái cần có biện pháp giữ ẩm và căn cứ điều kiện tự nhiên của từng địa phương để khuyến cáo tưới nước. Trong thời gian khoảng 2 tháng trời không mưa, khi vườn cây ra hoa tạo quả trên 30% thì tiến hành tưới nước: 3 lần trên đất đỏ nâu, 4 lần trên đất xám, thời gian từ 25-30 ngày/lần và ngưng tưới khi thu hoạch được 70% sản lượng, lượng nước mỗi lần tưới cho điều kinh doanh dưới 10 tuổi là 200m3/ha/lần và trên 10 năm kinh doanh là 300 m3/ha/lần. - Phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh và có kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Đặc biệt chú ý đến các đối tượng gây hại chính thường gây thiệt hại nặng để khuyến cáo như: sâu róm đỏ; bọ xít muỗi, bọ trĩ và bệnh thán thư, sâu đục trái. * Đối với vườn điều kiến thiết cơ bản Có biện pháp tưới nước và giữ ẩm đảm bảo cây không bị khô hạn và thường xuyên thăm vườn kịp thời phòng trừ nấm bệnh thán thư, sâu đục chồi, ngọn và bọ xít muỗi theo Nguyên tắc hướng dẫn sử dụng thuốc “4 đúng”. 2.2. Cây cao su Đây là thời điểm mùa khô nên tập trung vào quá trình chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ. Vào thời gian cuối vụ cây cao su rất dễ bị nhiễm bệnh phấn trắng do vào thời kỳ ra lá non nên cần phát hiện sớm và khuyến cáo xử lý kịp thời. 2.3. Cây hồ tiêu - Khuyến cáo người dân chỉ thu hoạch khi tiêu đã chín. Sau khi thu hoạch xong cần cắt tỉa để vườn thông thoáng, khô ráo, nhất là các cành, nhánh gần mặt đất. Vệ sinh gom các tàn dư cây bệnh ra khỏi vườn tiêu, đem tiêu hủy. - Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý thích hợp, cách ly cây bệnh tránh lây lan. - Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục nhằm kích thích một số nấm đối kháng với nấm Phytophthora, Fusarium sp phát triển. 2.4. Cây cà phê - Đối với cà phê tái canh cần áp dụng theo Quyết định số 2085/QĐ-BNN-TT, ngày 31/5/2016 của Cục Trồng trọt-Bộ NN&PTNT về ban hành Quy trình tái canh cà phê vối. - Đối với cây trồng xen trong vườn cà phê vối cần tuân thủ Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng tại Quyết định số 7302/QĐ-BNN-TT ngày 24/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. - Có thể áp dụng kỹ thuật tưới trực tiếp vào gốc nơi có tạo bồn chứa nước tưới cho cà phê hay tưới phun mưa, không áp dụng kỹ thuật tưới tràn. Lượng nước tưới và chu kỳ tưới như Bảng 2, thời điểm tưới lần đầu được xác định khi mầm hoa đã phát triển đầy đủ ở các đốt ngoài cùng cuả cành, thông thường xảy ra sau khi kết thúc mùa mưa 2-2,5 tháng. Trong vụ tưới cần theo dõi lượng mưa để điều chỉnh lượng nước hay chu kỳ tưới (lượng mưa 35-40 mm có thể thay thế cho 1 lần tưới). Bảng 2: Lượng nước và chu kỳ tưới Loại vườn Lượng nước tưới Chu kỳ tưới(ngày)** Tưới phun (m3/ha/lần) Tưới gốc* (m3/ha/lần) Cà phê KTCB Cà phê KD 300-500 600-700 150-400 400-500 15- 20 15- 20 * Lượng nước tưới lần đầu cao hơn định mức 10-15%. ** Căn cứ vào điều kiện thời tiết cụ thể để điều chỉnh thời gian tưới và lượng nước tưới cho phù hợp. - Bệnh khô cành, khô quả; Rệp sáp; Tuyến trùng; Mọt đục cành. 2.5. Trên cây ăn trái - Chủ động nguồn nước tưới để điều khiển công tác rãi vụ đảm bảo đạt năng suất. - Tăng cường giám sát các loại dịch hại như: Ruồi đục trái, rệp sáp, tuân thủ quy trình GAP đảm bảo thời gian cách ly của thuốc. 3. UBND các huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc Sở 3.1. UBND các huyện, thị xã Căn cứ kế hoạch chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân để chỉ đạo các Phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện công tác chỉ đạo sản xuất và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng chủ lực tại địa phương. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường tập huấn để người dân hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh khảm lá sắn và chủ động trong công tác phòng trừ; nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển hom sắn ra khỏi vùng bị bệnh; nhổ bỏ, tiêu hủy những diện tích sắn trồng mới bị nhiễm bệnh khảm lá; tiêu hủy hom sắn đã thu hoạch trên diện tích bị nhiễm; kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình vi phạm. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện rà soát, chủ động xây dựng vùng sắn không bị nhiễm bệnh để khuyến cáo cho bà con nông dân lấy hom sạch bệnh làm giống cho vụ tới. 3.2. Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Thực hiện công tác tư vấn và hỗ trợ nông dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, đặc biệt là cây điều, tiêu, cao su và cây sắn để hạn chế thiệt hại. Tăng cường công tác khuyến nông, tuyên truyền sâu rộng tới bà con nông dân sử dụng các giống mới năng suất cao có trong bộ giống khuyến cáo và các kỹ thuật trồng, chăm sóc, các mô hình tiên tiến, hiệu quả; thông tin tuyên tuyền, phổ biến cho người sản xuất hiểu rõ mức độ nguy hại của bệnh khảm lá sắn, nhận biết triệu chứng cây bị bệnh từ đó áp dụng các biện pháp phòng chống kịp thời, quyết liệt và triệt để. Lưu ý: -Trên cây điều tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác điều cho niên vụ 2018-2019. Nắm bắt tình thời tiết cực đoan như mưa trái mùa, hạn trong giai đoạn ra hoa, đậu trái để khuyến cáo kịp thời. - Đối với bệnh khảm lá trên cây sắn: Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên phóng sự truyền hình, truyền thanh, bản tin khuyến nông và có kế hoạch tập huấn quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện chủ động xây dựng các vùng sắn sạch bệnh (huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập) để khuyến cáo nông dân sử dụng nguồn giống cho vụ tới. 3.3. Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xây dựng kế hoạch nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; tiếp tục đánh giá, bình chọn các loại giống có chất lượng đưa vào sản xuất, đặc biệt là cây điều, cây sắn. 3.4. Chi cục Thủy lợi Căn cứ vào tình hình thời tiết của địa phương để có kế hoạch tích trữ, cung cấp và điều tiết nước tưới, khuyến cáo tưới tiết kiệm nước cho sản xuất đạt hiệu quả cao. Các huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, phường trên địa bàn triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân để bà con nông dân thực hiện; các ban ngành liên quan dựa vào tình hình thực tế, phối hợp với các huyện, thị xã triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 tốt nhất./.
Tác giả bài viết: Võ Thị Lan Hương
Nguồn tin: Hội Cựu chiến binh Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây