Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển dưới sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh

Thứ ba - 08/11/2022 20:41 584 0

dưa

dưa
Đảng ta khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng, nền nông nghiệp nước ta đã có sự chuyển biến sâu sắc và toàn diện từ sản xuất đến chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, phải nhập khẩu hằng năm trở thành quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhờ đó, đời sống người nông dân từng bước ổn định và không ngừng được cải thiện; diện mạo nông thôn từng bước được thay đổi theo hướng tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển đất nước.
Tuy vậy, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững; năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất còn nhiều hạn chế; sản xuất manh mún với cách thức tổ chức sản xuất lạc hậu. Vì thế, ngành nông nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cần điều chỉnh và lựa chọn hướng phát triển mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thị trường và phù hợp xu thế phát triển của thời đại.
Khâu then chốt tạo nên bước phát triển đột phá
Bình Phước thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực; là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Hồ Chí Minh. Điều kiện tự nhiên đặc thù của Bình Phước rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và một số ngành công nghiệp. Song, cách nào để tạo nên bước phát triển đột phá mà vẫn đảm bảo yếu tố bền vững, luôn là câu hỏi lớn đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Phước; làm thế nào để vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng? Thực tiễn bước đầu từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương, Tỉnh ủy Bình Phước đã tìm ra đáp án cho câu hỏi lớn trăn trở suốt nhiều nhiệm kỳ là đưa ngành kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao; đồng thời xác định đó là chương trình trọng tâm, khâu then chốt tạo nên bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau hơn 10 năm thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2010-2020), nền nông nghiệp Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống, đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển cao so với cả nước. Thành tựu từ quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo nên bước “đột phá” trong phát triển kinh tế, “lan tỏa” sâu rộng đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh và làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân; là nhân tố cơ bản đưa Bình Phước thoát nghèo và trở thành một tỉnh có thu nhập ổn định khá ở khu vực Đông Nam Bộ.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nhằm tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới dựa trên phát triển vùng; phát triển chuỗi giá trị hàng hóa và liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn, đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến mục tiêu xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sự đột phá về năng suất, chất lượng, sản phẩm, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức đến tính bền vững trong phát triển kinh tế của địa phương. Trước thực trạng đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chỉ rõ những thành tựu cũng như hạn chế trong hoạch định chủ trương và chỉ đạo thực tiễn của Đảng bộ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tìm ra những nguyên nhân và đúc kết những kinh nghiệm để vận dụng vào hiện tại là rất cần thiết, có ý nghĩa lý luận và mang tính thực tiễn sâu sắc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất yêu cầu đảng bộ các cấp tập trung ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là định hướng lâu dài, khách quan nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển của tỉnh; là giải pháp quan trọng, tạo chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Trong quá trình tổ chức thực hiện phải định hướng phát triển một cách vững chắc, hiệu quả, tiếp thu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện của tỉnh, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; trên cơ sở tư duy kinh tế nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu thị trường, sản xuất theo chuỗi giá trị; phát huy vai trò trọng tâm của nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp và liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn, đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố phải xác định phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là vận dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp từng giai đoạn phát triển địa phương, của tỉnh, có xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; duy trì tiếp cận được những tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tại địa phương kết hợp nhiều thành phần kinh tế, trong đó đảm bảo kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế… Đẩy mạnh huy động nguồn lực, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trong thời gian tới, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, yêu cầu đảng bộ các cấp lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục hỗ trợ các hộ nông dân liên kết, hợp tác để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất quy mô lớn. Tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở hiệu quả kinh tế. Ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp quy trình canh tác và thích ứng biến đổi khí hậu để chuyển giao cho sản xuất, như: chọn giống chống chịu với các điều kiện khó khăn như nắng nóng, khô hạn, theo thổ nhưỡng vùng miền; kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước; các giải pháp sinh thái phòng trừ dịch bệnh mới; các công nghệ vi sinh vật làm phân hữu cơ và xử lý chất thải trong môi trường nông thôn…
Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ số để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Thúc đẩy hợp tác trong, ngoài nước về nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; phục vụ sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ phải gắn kết với công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn, đô thị, bảo vệ môi trường. Tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đồng bộ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững, vừa mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường nông thôn.
Tùy điều kiện của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung phù hợp với quy hoạch chung theo chiến lược phát triển của tỉnh đến năm 2030; dựa trên đánh giá lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ để xác định các vùng có tiềm năng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên cho quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình du lịch nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuỗi giá trị nông sản, kết nối nông thôn - đô thị, quản trị nông thôn hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phát huy vai trò của người nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thông qua công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Xây dựng một số mô hình điểm, mang tính đột phá để nhân rộng và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất một cách bền vững.
Nguồn tin: Đảng bộ Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây