Quy định này áp dụng đối với việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành do chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định trên cơ sở vận dụng quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Nguyên tắc phân cấp quản lý công trình thủy lợi
Phân định rõ trách nhiệm chủ sở hữu, chủ quản lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi nhằm nâng cao trách nhiệm, chủ động trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Việc phân cấp cần đảm bảo không làm gián đoạn việc vận hành, khai thác công trình nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.
Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và môi trường.
Phân cấp theo quy mô, đặc điểm, tính chất kỹ thuật của công trình và hệ thống công trình thủy lợi. Mỗi công trình, hệ thống công trình phải do một tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý và tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động khai thác, kinh doanh của đơn vị khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Phân cấp quản lý công trình thủy lợi nhằm tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong việc tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ nhằm phát huy hiệu quả công trình thủy lợi.
Tổ chức, cá nhân được giao hoặc có tham gia khai thác và bảo vệ công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải có đủ năng lực phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, hệ thống công trình được giao theo quy định tại Chương III Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
Phân cấp quản lý công trình thủy lợi
Đối với công trình thủy lợi hiện hữu, UBND tỉnh quản lý công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa nhưng có thông số kỹ thuật tiệm cận công trình thủy lợi lớn và công trình thủy lợi có các tuyến kênh tưới theo lịch mùa vụ (tưới cho lúa) có diện tích canh tác lúa chiếm tỷ trọng lớn trên tổng diện tích tưới của công trình. UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý các công trình thủy lợi còn lại và quản lý thủy lợi nội đồng.
Đối với công trình thủy lợi xây dựng mới, UBND tỉnh quản lý công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa có dung tích hồ chứa (ứng với mực nước dâng bình thường) từ 01 triệu m3 trở lên và công trình thủy lợi vừa có chiều cao đập từ 12m trở lên; UBND cấp huyện quản lý các công trình thủy lợi còn lại. Đối với các công trình thủy lợi khác (trạm bơm, cống, kênh tưới...), tùy theo nhiệm vụ và thông số kỹ thuật công trình, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trường hợp công trình có nâng cấp, mở rộng thì sau khi thực hiện nâng cấp, mở rộng hoàn thành, cấp nào đang quản lý, cấp đó tiếp tục quản lý.
Chủ sở hữu, chủ quản lý công trình thủy lợi
UBND tỉnh là chủ sở hữu đối với các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý.
UBND cấp huyện là đại diện chủ sở hữu đối với các công trình thủy lợi đã được phân cấp quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ quản lý đối với các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế là chủ quản lý đối với các công trình thủy lợi đã được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý.
Đối với công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm chủ sở hữu và tổ chức quản lý công trình.