Chim yến là loài chim hoang dã mà con người có thể khai thác sản phẩm của quá trình sinh sản làm tổ để phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cao cấp hiện nay. Mô hình dẫn dụ nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ ở Bình Phước hình thành từ năm 2004, nhưng phát triển mạnh từ năm 2014 đến năm 2020 và tập trung nhiều tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long, các huyện Chơn Thành, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản.
Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến, trong đó nhiều nhất tại huyện Chơn Thành với 297 nhà yến, thành phố Đồng Xoài có 271 nhà yến; Bù Đăng có 261 nhà yến; Phước Long có 200 nhà yến, còn lại tập trung rải rác ở các huyện. Diện tích sàn nuôi chim yến phổ biến từ 100 – 350 m2. Sản lượng khai thác khoảng trung bình 1-3kg/tháng. Các hộ dân thường tận dụng cơi nới nhà ở thành nhà yến.
Do đặc thù chim yến sống hoang dã, nơi nào phù hợp thì đàn chim sẽ về làm tổ và sinh sống, vì vậy, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và bật cập như: Việc phát loa dẫn dụ hoặc tiếng kêu của chim yến tại các nhà dẫn dụ chim yến về nuôi trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng; chưa có biện pháp bảo vệ môi trường trên đàn chim yến.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và được thông qua Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Phước tại họp HĐND tỉnh tháng 7/2023.
Nuôi chim yến trong nhà (nguồn internet)
Nuôi chim yến trong nhà là một nghề mới xuất hiện nhưng đang phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên việc nuôi chim yến là tự phát, chưa có chính sách, quy hoạch cụ thể về phát triển. Do đó, cần phải xây dựng kỹ thuật dẫn dụ (nuôi chim yến), các thông số kỹ thuật: nhà nuôi yến, quy mô đàn/m2 xây dựng, các chính sách liên quan đến nuôi yến.
Các Bộ, ngành liên quan cần ban hành các Tiêu chuẩn; Quy chuẩn kỹ thuật đặc thù về xây dựng nhà nuôi yến, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý việc nuôi chim yến để các địa phương làm cơ sở quản lý.