Từ 30/11/2015, Quy định Kiểm dịch thực vật nội địa có hiệu lực
Ngô Thị Bích Thảo
2015-11-04T05:56:44-05:00
2015-11-04T05:56:44-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-cac-ngay-le-lon/Tu-30-11-2015-Quy-dinh-Kiem-dich-thuc-vat-noi-dia-co-hieu-luc-1029.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Ngày 14/10/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch thực vật nội địa.
Theo đó, Thông tư quy định các nội dung cụ thể như sau: Về quản lý giống cây trồng mới nhập khẩu: sẽ kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa đối với lô giống cây trồng mới nhập khẩu theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu. Đồng thời tiến hành điều tra và giám sát sinh vật gây hại trên giống cây trồng mới tại địa điểm gieo trồng theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu hoặc khai báo của chủ vật thể tại địa phương. Khi phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở địa phương phải áp dụng các biện pháp xử lý triệt để và báo cáo ngay về Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng. Thời gian theo dõi đối với giống cây trồng mới ngắn ngày nhập khẩu là một vụ sản xuất, đối với cây lâu năm là một năm. Đối với quản lý sinh vật có ích nhập nội: sẽ kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu quá cảnh và vận chuyển nội địa do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền cấp. Theo dõi và giám sát địa điểm, phạm vi sử dụng sinh vật có ích nhập nội tại địa phương. Về quản lý ổ dịch và vùng dịch: Khi xuất hiện các ổ dịch đối tượng kiểm dịch thực vật tại địa phương thì Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phải áp dụng các biện pháp xử lý triệt để nhằm hạn chế khả năng lây lan của đối tượng kiểm dịch thực vật, nhanh chóng báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng; đồng thời hướng dẫn, giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Định kỳ kiểm tra theo dõi các ổ dịch đã được xử lý. Đối với vùng dịch, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phải nhanh chóng xác định ranh giới vùng dịch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền công bố dịch; thiết lập các chốt kiểm dịch, quy định địa điểm kiểm dịch thực vật, thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật được vận chuyển ra từ vùng dịch và thông báo cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh lân cận biết; Kiểm tra, giám sát các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật từ dùng dịch hoặc đi qua vùng dịch. Đối với quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vận chuyển từ vùng nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật: Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được vận chuyển từ vùng nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật phải được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm dịch theo quy định. Về quản lý sinh vật gây hại trên vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản trong kho: Thực hiện điều tra, theo dõi sinh vật gây hại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản trong kho và tại các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và tiêu thụ hàng thực vật nhằm phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật gây hại lạ của Việt Nam. Kết quả điều tra, theo dõi ghi theo mẫu quy định. Khi phát hiện sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ thì Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phải báo cáo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, đồng thời hướng dẫn, giám sát chủ vật thể thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Về quản lý vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã xử lý tại cửa khẩu được đưa về sử dụng tại địa phương: Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng nhiễm sinh vật gây hại trên các lô vật thể đã được xử lý tại cửa khẩu vận chuyển về địa phương theo thông báo của cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu. Trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ trên các lô vật thể đó thì phải áp dụng các biện pháp nhằm diệt trừ triệt để sinh vật gây hại theo quy định và báo cáo ngay về Chi cục kiểm dịch thực vật vùng…. Thông tư quy định rõ trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố: giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa theo các quy định của Thông tư này. Đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Trạm kiểm dịch thực vật nội địa trực thuộc Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh theo quy định, bố trí nhân lực và đầu tư trang thiết bị; cấp kinh phí hàng năm để thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa. Cũng theo Thông tư, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có trách nhiệm: giám sát hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tại địa phương theo thông báo của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; phối hợp với Chi cục kiểm dịch thực vật vùng thực hiện công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu trong từng trường hợp theo yêu cầu. Xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí hàng năm về công tác kiểm dịch thực vật nội địa; chỉ đạo Trạm kiểm dịch thực vật nội địa thực hiện công tác kiểm dịch thực vật nội địa và hướng dẫn chủ vật thể thực hiện các qui định về kiểm dịch thực vật nội địa; Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất về Chi cục kiểm dịch thực vật vùng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/11/2015.
Tác giả bài viết: Ngô Thị Bích Thảo
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y: