Nội địa hóa nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Vẫn là bài toán khó

Thứ ba - 20/09/2022 22:50 766 0
Mỗi năm, Việt Nam cần hàng chục triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các nhà máy, xí nghiệp trong cả nước, tuy nhiên doanh nghiệp (DN) trong nước mới chỉ cung ứng được chưa tới 40%, còn lại là nhập khẩu.
Nội địa hóa nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Vẫn là bài toán khó
Phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập gây nhiều khó khăn nên nhiều đơn vị sản xuất đã và đang tính toán các giải pháp để gia tăng nội địa hóa cung ứng nguyên liệu cho sản xuất.
Tìm cách nội địa hóa nguyên liệu
Việc nội địa hóa nguyên liệu rất phù hợp với chiến lược chăn nuôi của Việt Nam đang hướng tới, tuy nhiên theo các nhà sản xuất điều này không dễ dàng, cần phải có sự chuẩn bị lâu dài từ cả phía Nhà nước lẫn các DN.
Công ty TNHH Woosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã đầu tư vào Đồng Nai được 19 năm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhà máy của DN này có trụ sở tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) và hệ thống đại lý rộng khắp khu vực miền Nam.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại Công ty TNHH Woosung Việt Nam. 
Theo ông Võ Quang Nhân, phụ trách bộ phận kinh doanh của công ty thì sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung hiện nay đang gặp khó khăn bởi giá nguyên, vật liệu nhập khẩu tăng vọt nhưng lại khan hiếm do đứt gãy các nguồn cung ứng trên thế giới. Để chủ động hơn trong khâu sản xuất, 2 năm qua công ty thực hiện các giải pháp nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên liệu trong nước, nhất là tại các địa phương có sự phát triển về các sản phẩm nguyên liệu, nông sản.
Tương tự, trong tháng 5 và tháng 6, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tổ chức hội nghị gặp gỡ hơn 300 nhà cung ứng tại các khu vực trong cả nước. Là đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như cung ứng sản phẩm chăn nuôi chủ lực trên thị trường, theo đại diện CP Việt Nam thì DN nhận thức được rằng “nhà cung cấp” chính là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng. CP đẩy mạnh hợp tác để hướng đến việc phát triển bền vững nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nhóm hàng nguyên liệu nội địa.
Một đơn vị lớn khác là Tập đoàn De Heus đến từ Hà Lan hiện đang có nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Dầu Giây (H.Thống Nhất). Sau khi mua lại mảng thức ăn chăn nuôi MNS Feed của Masan, tập đoàn này đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh tháng 5 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn mong muốn hợp tác với các nhà chăn nuôi, các DN và nhỏ cùng một số DN lớn tại Việt Nam cùng nhau phát triển bền vững. Để nội địa hóa nguyên liệu, De Heus đang hợp tác với đơn vị của Việt Nam là tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư mạnh vào khu vực Tây nguyên, từ đó chủ động hơn trong quá trình sản xuất.
 
Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu
Theo các chuyên gia, dù là ngành kinh tế quan trọng nhưng chăn nuôi của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Đặc biệt, đối với lĩnh vực sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu khiến cho các đơn vị dễ bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo những biến động của thị trường.
PGS-TS Chế Minh Tùng, Trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi - thú y, Trường đại học Nông lâm TP.HCM nhận định, ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương. Nguyên nhân là chưa có chỗ dựa vững chắc, chăn nuôi của chúng ta vẫn chưa tự chủ được về con giống, nguyên liệu thức ăn. Đây là những yếu tố cấu thành từ 70 - 80% giá thành của chăn nuôi. Đặc biệt, trong cơ cấu nguyên liệu thức ăn, có những nguyên liệu mà Việt Nam chưa sản xuất được. Để phát triển bền vững thì Nhà nước cần có chính sách tự chủ trong nguồn giống, xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn, DN nội đầu tư mạnh vào chăn nuôi, giảm bớt sự phụ thuộc vào các tập đoàn thế giới.
Bên cạnh đó, tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp tại địa phương vẫn diễn ra bấp bênh. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) cho hay, nơi HTX đứng chân rất gần với hàng loạt nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng sản phẩm nông nghiệp lại chưa cung ứng vào được, dù đơn vị cũng đã đi chào hàng một số nơi. Sản phẩm chuối của HTX được thị trường Hàn Quốc mua nhiều để phục vụ chế biến các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, sấy ra thành bột để cho thủy sản, gà, heo mà đơn vị mới chỉ có thể bán thô. Điều mong muốn của ông là các DN đang hoạt động trong nước tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp từ các HTX và hộ nông dân hơn.
Đối với vấn đề này, các nhà sản xuất nhận định dù nguồn nguyên liệu tại Việt Nam có nhưng để có thể hợp tác cũng chưa hẳn dễ dàng. Ông Võ Quang Nhân cho rằng, điều quan trọng là sự ổn định và chất lượng sản phẩm. DN có nhu cầu lớn về nguyên liệu song các nhà cung ứng phải có sự ổn định, chất lượng nông sản phải đảm bảo được yếu tố đầu vào, hàm lượng dinh dưỡng... Đây cũng là những khó khăn không chỉ Woosung mà các DN khác đang gặp phải. 
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang
Nguồn tin: Theo Báo Đồng Nai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay5,886
  • Tháng hiện tại205,619
  • Tổng lượt truy cập6,778,074
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây