TRỞ NGẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG ĐỆM LÓT SINH HỌC BALASA N01 TRONG CHĂN NUÔI HEO VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC

Thứ hai - 10/08/2015 22:45 15.542 0
Chế phẩm Balasa N01 là một trong những TBKHKT đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận và được bà con chăn nuôi trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng biết đến, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi gà và chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học Balasa N01 trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được người nông dân quan tâm và ứng dụng trên nhiều địa phương bởi lợi ích đem lại của nó. Việc sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi heo đã góp phần làm giảm thải tối đa nguy cơ ô nhiễm và có hiệu quả rất tốt đối với môi trường nhờ hệ vi sinh vật có lợi giúp phân hủy gần như triệt để chất thải, từ đó làm giảm mùi hôi, bảo đảm môi trường sống có lợi cho vật nuôi và an toàn cho sức khỏe con người. Ngoài ra khi sử dụng đệm lót sinh học Balasa N01, không sử dụng nước rửa và tắm cho heo nên trong chuồng trại rất ít ruồi muỗi và không có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, môi trường chuồng trại được bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, sẽ giúp ngăn chặn được những loại dịch bệnh có thể bùng phát như lở mồm long móng, dịch tai xanh trên lợn… Đệm lót sinh học Balasa N01 còn có những ưu điểm khác như không phải thay dọn phân thường xuyên, không sử dụng nước tắm rửa, vệ sinh từ đó giảm nhân công lao động và giảm chi phí điện nước nên tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm chi phí thuốc thú y để điều trị bệnh, làm giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất. Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc mà tránh được những mâu thuẫn nẩy sinh do chăn nuôi ô nhiễm gây ra. Môi trường đệm lót sinh học tạo điều kiện cho con heo được vận động nhiều, không bị stress, ít bệnh tật, cho nên giảm tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm có độ vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, chất lượng sản phẩm rất tốt nên được người tiêu dùng đánh giá cao. Mặc dù có nhiều ưu điểm khi áp dụng chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học Balasa N01, tuy nhiên hiện mức áp dụng chưa được phổ biến do có nhiều người nông dân chưa biết, chưa tiếp cận được kỹ thuật làm đệm lót hoặc do những nhược điểm khác… Trở ngại mà người chăn nuôi gặp phải khi thực hiện đệm lót sinh học dùng cho chăn nuôi heo trước hết đó là tập quán chăn nuôi của nhiều người chăn nuôi chưa quen với môi trường nuôi heo không tắm rửa hoặc lâu nay họ đã xây dựng kiên cố chuồng trại bằng bê tông kiên cố nên không dễ phá bỏ, cải tạo trong một sớm một chiều; mùa nóng nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn heo; nuôi heo với mật độ thưa nên chưa tận dụng tối đa quỹ đất; đệm lót mùn cưa sau một thời gian dùng bị nén chặt gây khó khăn cho việc xới tơi đệm lót hàng ngày hoặc khô quá tạo nên môi trường nhiều bụi là nguyên nhân gây cho đàn heo bị bệnh đường hô hấp; khi sử dụng đòi hỏi phải chuẩn bị khối lượng lớn mùn cưa, trấu (hoặc nguyên liệu khác). Mặt khác vấn đề truyền thông đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng được đủ yêu cầu của người chăn nuôi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc tiếp cận kỹ thuật làm đệm lót sinh thái cho người chăn nuôi chưa phải lúc nào, nơi nào cũng thuận lợi nhất là các hộ chăn nuôi ở vùng sâu, vùng xa. Để khắc phục những khó khăn nêu trên nên lưu ý một số vấn đề sau: - Sớm triển khai Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Chính phủ đã ban hành ngày 04/9/2014 “về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020” để tạo điều kiện hỗ trợ người chăn nuôi ít vốn có điều kiện áp dụng. - Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và chuyển giao tiến bộ KHKT trên các kênh và phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người chăn nuôi có điều kiện tiếp cận và áp dụng. - Đẩy mạnh công tác tập huấn cho đội ngũ các cán bộ khuyến nông, chăn nuôi và thú y các cấp và người chăn nuôi về quy trình thực hiện đệm lót sinh học Balasa N01. - Khuyến khích các hộ chăn nuôi cải tạo hoặc xây dựng mới chuồng trại theo thiết kế phù hợp với việc áp dụng cho đệm lót sinh học. - Lắp đặt hệ thống phun sương và hệ thống làm mát để chống nóng cho heo, nhất là đối với heo thịt và heo nái hậu bị, mang thai, heo đực giống. - Để hạn chế bụi ảnh hưởng và làm phát sinh các bệnh hô hấp thường xảy ra đối với đệm lót mùn cưa thì người chăn nuôi nên bổ sung khoảng 1/3-1/4 lớp đệm lót trên cùng là trấu hoặc rơm khô để đảm bảo an toàn tốt hơn cho sức khỏe đàn heo. - Đối với nguồn nguyên liệu cho đệm lót tuy cần rất nhiều nhưng hoàn toàn có thể mua với giá thành thấp (trấu, mùn cưa…) bởi thực tế nguồn mùn cưa ở Bình Phước rất lớn do có nhiều xưởng gia công, chế biến đồ gỗ… - Thường xuyên quan sát, định kỳ xới đảo lớp đệm lót; không để tình trạng đệm lót quá ướt hay khô, kết tảng, bị mốc. Sau thời gian nuôi khoảng 50 ngày, hoặc khi thấy đệm lót bị sụt giảm xuống nhiều cần bổ sung thêm chất độn mới./.
Tác giả bài viết: KS. Nguyễn Xuân Trường
Nguồn tin: binhphuoc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây