Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2020

Thứ hai - 30/03/2020 21:35 1.303 0
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời và có hiệu quả trong thời gian tới các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y, các chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 21/11/2019 của UBND tỉnh Bình Phước về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2020, cụ thể:
1. Đối với phòng, chống bệnh cúm gia cầm: Triển khai, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 3584-CV/TU ngày 12/02/2020 về chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người; Công văn số 254/UBND-KT ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh về khẩn trương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Thành lập các Đoàn Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đôn đốc, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát, năm thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, xử lý nhanh gọn nếu dịch bệnh phát sinh không để lây lan trên diện rộng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh và sự lưu hành vi rút cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Tiêm phòng vắc xin cúm, niu-cát-xơn tại các huyện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh bao gồm các huyện, thị xã, thành phố Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản và Bình Long. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Vệ sinh, tiêu động khử trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Xây dựng thành công các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, trong năm 2020 đề nghị Cục Thú y công nhận Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản và Bình Long là vùng chăn nuôi gà an toàn đối với bệnh Cúm gia cầm và bệnh Niu-Cát-Xơn; hoàn thành đi vào hoạt động chuỗi thịt gà an toàn dịch bệnh đạt điều kiện xuất khẩu của Công ty CPV Food. 2. Đối với phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đảm bảo tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng. Xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn các trang trại, gia trại có đủ điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chăn nuôi để cung cấp sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá. Hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và có đăng ký với cơ quan chuyên môn để quản lý tốt tổng đàn, cơ cấu đàn heo, chủ động trong sản xuất và thực hiện biện pháp phòng chống dịch. Kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn. 3. Đối với phòng, chống bệnh lở mồm long móng Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1941/QĐ-UBND ngày 14/7/2016 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan trên diện rộng. Khi có dịch xảy ra tổ chức tiêm phòng, tiêu độc bao vây ổ dịch và các địa bàn nguy cơ cao. Tổ chức triển khai tiêm phòng 02 đợt/năm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cả các thôn, ấp và phương tiện truyền thông của huyện, xã; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại chuồng nuôi và xung quanh; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không vớt xác gia súc chết ra ngoài môi trường. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phối hợp các đơn vị của Cục Thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, phân tích chuyên sâu, xác định chính xác chủng vi rút gây bệnh LMLM để làm căn cứ lựa chọn và sử dụng vắc xin phù hợp tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. 4. Đối với phòng, chống bệnh dại động vật Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2018-2021” trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 với 09 giải pháp cụ thể như sau: Quản lý chó nuôi; tiêm vắc-xin Dại cho đàn chó; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; công tác truyền thông; nâng cao năng lực hệ thống giám sát; điều tra và xử lý ổ dịch; kiểm soát vận chuyển chó; nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh Dại; xây dựng vùng an toàn bệnh Dại. 5. Đối với các bệnh khác trên gia súc, gia cầm Các bệnh khác trên gia súc, gia cầm như heo tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, niu-cát-xơn, gumboro…hiện nay đã các loại vắc xin để phòng những bệnh này có hiệu quả và việc phòng chống thực hiện theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Năm 2020 tổ chức tiêm vac xin Tụ huyết trùng trâu bò và vac xin Dịch tả heo cổ điển theo chính sách miễn phí cho hộ đồng bào dân tộc và đạt tỉ lệ trên 80% tổng đàn theo quy định.
Tác giả bài viết: Võ Lan Hương
Nguồn tin: Chi cục TT và BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây