Giải pháp để hỗ trợ người dân trồng điều

Thứ tư - 04/12/2013 22:47 732 0
Thực hiện Công văn số 4012/UBND-KTTH ngày 29/11/2013 của UBND tỉnh về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu trả lời như sau: Câu hỏi: Tổ đại biểu khu vực thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập kiến nghị: Trong Báo cáo số 236/BC-UBND, năm 2013 diện tích điều giảm 5,7%, tuy nhiên theo kiến nghị của các phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh con số này lớn hơn rất nhiều. Một số doanh nghiệp nhập điều nước ngoài chất lượng thấp về chế biến sau đó lấy thương hiệu điều Bình Phước để xuất khẩu, ảnh hưởng đến thương hiệu điều của tỉnh. Trước thực tế trên, UBND tỉnh có giải pháp gì để hỗ trợ người dân trồng điều, hạn chế việc đốn bỏ cây điều chuyển sang cây trồng khác, bảo vệ thương hiệu điều Bình Phước vì cây điều được xác định là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh.
Trả lời: a, Về ý kiến: “Trong Báo cáo số 236/BC-UBND, năm 2013 diện tích điều giảm 5,7%, tuy nhiên theo kiến nghị của các phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh con số này lớn hơn rất nhiều”. Xin giải trình như sau: Số liệu theo Báo cáo số 236/BC-UBND về số liệu diện tích điều giảm 2013 là số liệu thống kê được Cục Thống kê tỉnh thống kê theo hệ thống từ cơ sở. Còn số liệu theo kiến nghị của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh không có dẫn nguồn cung cấp vì thế không có cơ sở để khẳng định tính chính xác của số liệu. Mặt khác, qua kiểm tra thì diện tích điều bị người dân chặt bỏ năm 2013 chủ yếu để chuyển sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cao su, hồ tiêu và cây ăn quả. Diện tích điều giảm 5,7% vào khoảng 7.987 ha. Trong khi đó diện tích cao su, cây ăn quả, hồ tiêu năm 2013 tăng 20.668 ha, trong đó phần tăng thêm ngoài diện tích các dự án trồng cao su và tái canh cao su là 8.092 ha là hoàn toàn phù hợp, nên ngoài tính pháp lý của số liệu tại Báo cáo số 236/BC-UBND thì diện tích điều giảm 5,7% cũng phù hợp với diện tích tăng các cây trồng thay thế khác. b) Về phản ánh: “một số doanh nghiệp nhập điều nước ngoài chất lượng thấp về chế biến sau đó lấy thương hiệu điều Bình Phước để xuất khẩu, ảnh hưởng đến thương hiệu điều của tỉnh. Trước thực tế trên, UBND tỉnh có giải pháp gì để hỗ trợ người dân trồng điều, hạn chế việc đốn bỏ cây điều chuyển sang cây trồng khác, bảo vệ thương hiệu điều Bình Phước vì cây điều được xác định là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh”, xin báo cáo như sau: Theo Hiệp hội điều Việt Nam, Sở Công thương tỉnh Bình Phước, lượng điều thô nhập khẩu cả nước năm 2012 là 300.000 tấn, năm 2013 khoảng 550.000 tấn. Đối với tỉnh Bình Phước, lượng điều thô nhập khẩu năm 2012 là 7.000 tấn, 9 tháng đầu năm 2013 là 6.000 tấn, chiếm 4,61% nhu cầu nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh. Theo đánh giá của Hiệp hội Điều Việt Nam, các chuyên gia thì chất lượng điều thô nhập khẩu đều có chất lượng, hương vị thua xa so với điều trong nước nói chung và điều Bình Phước nói riêng, tuy tỉ lệ chiếm thấp so với tổng nhu cầu nhưng điều này đang ảnh hưởng đến thương hiệu điều của tỉnh. Ngoài chất lượng điều nguyên liệu nhập thấp ảnh hưởng tới thương hiệu điều Bình Phước thì giá cả điều nguyên liệu thấp cũng ảnh hưởng đáng kể tới giá điều thô của tỉnh theo hướng làm giảm giá điều thu mua từ nông dân, làm cho thu nhập của nông dân trồng điều giảm. Người dân chặt bỏ điều để trồng cây trồng khác mang lại thu nhập cao hơn như cao su, hồ tiêu, cây ăn trái ở những diện tích điều có điều kiện chuyển đổi. Việc hạn chế đốn bỏ cây điều sang các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn là rất khó khăn vì đó là hiệu quả sản xuất mà người dân đã lựa chọn. Tuy nhiên, để hạn chế việc phá bỏ những diện tích điều mà không có điều kiện chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh có nhiều giải pháp cụ thể như: phê duyệt Quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước đến năm 2015 tại Quyết định số 31/2008/QĐ-UBND ngày 08/7/2008; Ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND ngày 22/10/2009 của UBND tỉnh về Chính sách phát triển ngành điều tỉnh Bình Phước; Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; đầu tư nghiên cứu, chuyển giao KHKT (như giống mới, mô hình điều cao sản, thâm canh tăng năng suất, tỉa cành tạo tán, mô hình ca cao, gừng, cây dược liệu xen trong vườn điều)… Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh hỗ trợ ngành điều của tỉnh bằng các biện pháp cụ thể sau: - Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 31/2008/QĐ-UBND ngày 08/7/2008 và tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, đúng theo Quyết định 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 về “Phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” nhằm giúp người dân xác định được đâu là diện tích chỉ trồng Điều mới có lợi thế và không phù hợp với các loại cây trồng khác như nơi đất quá dốc, tầng canh tác nông không thuận lợi về nguồn nước, giao thông khó khăn...v.v - Xây dựng chỉ dẫn địa lý, gắn nhãn đối với “Điều Bình Phước” - Tiếp tục triển khai quyết định 46/2009/QĐ-UBND ngày 22/10/2009 của UBND tỉnh về Chính sách phát triển ngành điều tỉnh Bình Phước. Trong đó, tập trung hỗ trợ về giống mới, công tác tập huấn, chuyển giao KHKT; hỗ trợ vay với lãi suất thấp từ việc chăm sóc, đầu tư máy móc…đến khâu hỗ trợ chế biến. - Tiếp tục tuyển chọn, sưu tập những giống điều địa phương có năng suất cao, thích nghi với từng vùng khí hậu của tỉnh. - Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, BVTV, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ mô hình trình diễn cho nông dân học tập lẫn nhau, hướng tới sản xuất cây điều theo hướng GAP. - Đẩy nhanh và nhân rộng các mô hình trồng xen trong vườn điều, giúp cho người trồng điều có thêm thu nhập. - Tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Tới-Giám đốc Sở NN & PTNT
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây