Đắk Lắk: Ca cao xuất ngoại

Thứ hai - 06/02/2017 22:27 453 0
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 2.000 ha ca cao được trồng rải rác tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, gần 1.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 1,3 tấn/ha, sản lượng hằng năm khoảng 1.900 tấn hạt khô.
Ca cao được trồng nhiều nhất ở huyện Ea Kar (793 ha), Krông Ana (293 ha), Ea H’leo (220 ha) và Krông Pắc (204 ha). Ngoài ra, một số doanh nghiệp (DN) cũng chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng ca cao như: Công ty TNHH MTV Cà phê Krông Ana (240 ha), Công ty TNHH MTV Cà phê Tháng Mười (hơn 174 ha) với 5 giống ghép trong nước và 8 dòng nhập ngoại. Ca cao có thể làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo, tân dược, nhưng công nghiệp chế biến còn hạn chế, do đó, lâu nay sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu ở dạng hạt khô. Trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) là DN duy nhất có khả năng chế biến sâu ca cao theo quy mô công nghiệp. Công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị theo công nghệ của Anh công suất 3 tấn sản phẩm/tháng để chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột, bơ ca cao, sôcôla và ca cao hạt xay. Quy trình sản xuất cũng được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000. Với công suất này, nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng 120 tấn ca cao hạt khô/năm. Để đáp ứng đủ nguyên liệu sản xuất, Công ty đã liên kết với các HTX, nông dân trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ. Theo đó, phía DN hỗ trợ kỹ thuật và giám sát nghiêm ngặt toàn bộ quá trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản và lên men nhằm tạo sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, nhu cầu tiêu thụ ca cao trên thị trường quốc tế hiện rất lớn để phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm. Với tỷ lệ tinh khiết đạt 99%, giá ca cao Việt Nam cao hơn 30% so với sản phẩm của các nước Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, nên việc mở rộng thị trường quốc tế là thuận lợi. Với chất lượng tốt, sản phẩm của đơn vị đã tiếp cận được thị trường bán lẻ toàn quốc và là đối tác cung cấp nguyên liệu cho một số DN sản xuất bánh kẹo, thực phẩm. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, Công ty còn tham gia thị trường điện tử thông qua các diễn đàn thương mại trực tuyến để quảng bá sản phẩm và tiếp cận với các đối tác quốc tế. Năm 2013, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đã được đơn vị ký kết với Công ty Robin (Canada) với số lượng 1 tấn sản phẩm bơ ca cao, kỳ hạn giao 3 tháng/lần. Từ đó đến nay, Công ty đã xuất sang thị trường này tổng cộng 4,5 tấn ca cao đã qua chế biến gồm ca cao hạt xay và bơ ca cao. Tuy nhiên, do công suất sản xuất còn nhỏ, nguồn hàng không đủ cung cấp cho đối tác một cách thường xuyên với số lượng lớn. Do đó, DN đang đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, nâng công suất sản xuất lên 20 tấn sản phẩm/tháng. Dự kiến, việc lắp ráp sẽ hoàn thành trong năm nay, khi đó, đơn vị sẽ ký kết hợp đồng cung cấp cho DN Canada với khối lượng 25 tấn/quý. Bên cạnh đó, 2 siêu thị tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã cam kết thu mua 2 dòng sản phẩm ca cao chế biến theo số lượng lớn và thỏa thuận sẽ ký hợp đồng xuất khẩu trong thời gian tới. Theo quy hoạch phát triển cây ca cao đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ ổn định diện tích cây trồng này ở mức 6.000 ha. Nhằm hỗ trợ phát triển cây ca cao, trong năm 2016, Liên minh HTX Việt Nam đã đưa sản phẩm này vào Đề án Xây dựng chuỗi sản phẩm gắn với phát triển HTX kiểu mới. Theo đó, đầu năm nay, sẽ hỗ trợ 2 - 4 tỷ đồng cho HTX Nông nghiệp sản xuất chế biến và tiêu thụ ca cao Ea Kar với mục đích sản xuất ca cao chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định thông qua liên kết giữa nông dân, HTX và DN trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành công nghiệp ca cao tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung mới hình thành khoảng 15 năm, khả năng chế biến sâu phục vụ xuất khẩu chưa mạnh. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng đặt cơ sở thu mua ca cao hạt trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số DN lớn như Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty TNHH Armajaro Việt Nam và Công ty TNHH Olam Việt Nam. Những năm tới, nhu cầu tiêu thụ ca cao phục vụ chế biến và xuất khẩu vẫn rất lớn, do đó, tiềm năng để ca cao chinh phục thị trường thế giới là rất khả quan.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: Đoàn Thanh niên Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây