Đẩy mạnh tái cơ cấu Ngành Lâm nghiệp phát triển bền vững

Thứ hai - 20/03/2017 21:01 401 0
Sáng 17/3/2017, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, một số tổ chức quốc tế và lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT của các tỉnh, thành phố. Báo cáo tại Hội nghị của Bộ NN&PTNT cho biết sau hơn 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, với nhiều nỗ lực và sáng kiến mới, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng. Độ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 40,84% năm 2015; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt bình quân 6,57%/năm so với 5,03%/năm giai đoạn 2010-2012, vượt mục tiêu 5,5-6,0%/năm đề án đề ra. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm, từ 3,035 tỷ USD/năm giai đoạn 2010-2012 lên 6,52 tỷ USD/năm, giai đoạn từ 2011 đến nay. Năm 2016, trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta bị suy giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt 7,178 tỷ USD. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Công tác phát triển rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai. Công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quan tâm, đẩy mạnh góp phần từng bước ổn định diện tích rừng; Sản lượng gỗ rừng trồng 5 năm qua tăng hơn 3,3 lần, từ 5,16 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI; sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, đồng thời giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động của chủ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước. Cơ chế chính sách từng bước được bổ sung, sửa đổi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Các địa phương cần tổ chức rà soát thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và trên thực địa”. Bên cạnh đó, phải gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Một yêu cầu quan trọng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đó là làm sao tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo vệ, quản lý, phát triển và khai thác rừng có hiệu quả. Theo đó, trước hết phải đảm bảo bố trí đủ ngân sách trung ương và địa phương. Cùng với đó, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế xã hội đầu tư, xây dựng, bảo vệ rừng thông qua việc giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân. “Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến“, Phó Thủ tướng nói. Việc tổ chức sản xuất lâm nghiệp phải được thực hiện theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế; lấy các doanh nghiệp làm động lực nhằm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, phải tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững. Cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai hiệu quả, chặt chẽ việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Cùng với đó, Chuẩn bị các điều kiện, hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hiệp định chung với EU và các hiệp định song phương với các nước có tiềm năng để mở cửa thị trường cho thương mại, xuất nhập khẩu lâm sản. “Đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, nhưng phải luôn lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh, phát triển các sản phẩm ngành lâm nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: CTV. Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây