Triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ sáu - 03/06/2022 03:48 375 0
Ngày 01/6, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm (01/6 - 31/8) nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số.
Chiến dịch nhằm cụ thể hóa chỉ đạo lãnh đạo tỉnh về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong đó tập trung định hướng quan trọng: "Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị". 
Đồng thời, UBND tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến tới từng cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện năm 2022, hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu chủ yếu phát triển Chính phủ số trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về ban hành kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu đến ngày 02/9/2022, toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%; giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đạt 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái quá hạn. Nếu có phát sinh hồ sơ quá hạn thì phải có văn bản xin lỗi (phải gửi văn bản xin lỗi trước thời điểm hết hạn giải quyết ít nhất 01 ngày, đồng thời có thời hạn giải quyết trong văn bản xin lỗi).
Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đó là, cập nhật đầy đủ các dịch vụ công phát sinh lên Cổng dịch vụ công tỉnh, tuyệt đối không được xử lý hồ sơ giấy mà không cập nhật vào Cổng dịch vụ công tỉnh.
Chủ động rà soát, tập trung phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến.
Quán triệt, theo dõi và kiểm soát thường xuyên việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để hồ sơ chuyển qua trạng thái quá hạn. Trường hợp quá hạn phải có văn bản xin lỗi và kịp thời xử lý theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3591/UBND-NC ngày 24/10/2017 về việc chấn chỉnh việc thực hiện xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để hồ sơ, thủ tục hành chính quá hạn giải quyết. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp gia hạn hồ sơ không có lý do chính đáng; nghiêm cấm tình trạng bấm “kết thúc” khi trên thực tế hồ sơ vẫn còn trong tình trạng “đang xử lý”.
Thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số loại hình dịch vụ công trực tuyến tương ứng với một số đối tượng người dân sử dụng phù hợp, khả thi trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ. Tập trung triển khai trước đối với 25 dịch vụ công trong danh mục các thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng theo Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn bản số 1231/UBND-KGVX ngày 28/5/2022 của UBND tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục hành chính đủ điều kiện.
Nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Kết nối toàn diện, triệt để Cổng dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai hoàn thiện hệ thống báo cáo GRIS, LRIS. Phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn nhập liệu hệ thống báo cáo các mẫu Il.01b, II.05a, II.06 của Văn phòng Chính phủ. Các sở, ban, ngành tổ chức nhập liệu hệ thống báo cáo LRIS.
Triển khai toàn diện thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công trên phạm vi toàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai chiến dịch phải có sự phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu, có yếu tố quyết định cho công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Nguồn tin: binhphuoc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây