MÔ HÌNH CHĂN NUÔI DÊ TẬN DỤNG PHỤ PHẾ PHẨM TỪ CÂY TRỒNG TẠO HIỆU QUẢ KÉP, ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI XÃ LỘC QUANG

Thứ ba - 23/02/2016 22:55 2.177 0
Nhiều năm nay trên địa bàn các xã thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Hớn Quản nói chung và xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) nói riêng người nông dân đã thực sự giàu lên, phát triển ổn định và bền vững nhờ kết hợp chăn nuôi dê với trồng tiêu từ đó tận dụng được tối đa lợi thế để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Điển hình cho những mô hình đó có gia đình anh Dương Văn Thiết (Ấp Tràng 2, xã Lộc Quang) nuôi quy mô mỗi năm dao động từ 10-40 dê nái kết hợp trồng 0,8 ha tiêu mỗi năm thu về từ chăn nuôi dê không dưới 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí và thu đạt trên 500 triệu từ cây tiêu. Đạt tổng lợi nhuận bình quân từ năm 2013 trở lại đây không dưới 600 triệu đồng/năm. Kết quả này đạt được nhờ sự cần cù, chịu khó và biết tận dụng tốt lợi thế sẵn có tại gia đình cũng như địa phương để kết hợp chăn nuôi và trồng trọt tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Anh Thiết cho biết cách đây 10 năm anh nhận thấy phong trào trồng tiêu của xã Lộc Quang và các địa phương lân cận phát triển rất mạnh mẽ và điều đó cho anh thấy được tiềm năng về nguồn phụ phẩm trong vườn tiêu từ các cây trụ sống làm thức ăn cho dê là rất dồi dào, từ đó anh quyết tâm đầu tư nuôi 10 dê nái và cho đến nay anh luôn duy trì phát triển ổn định ở mức 10-40 nái/năm tùy thời điểm thích hợp trong năm, kết hợp trồng hơn 1.500 nọc tiêu. Việc chăn nuôi dê theo hình thức bán chăn thả vừa tận dụng nguồn phụ phẩm trong vườn tiêu của gia đình vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên khác và bảo đảm sự vận động thường xuyên cho đàn dê. Cứ 10 con dê nái mỗi năm sản xuất 700-800 kg thịt dê hơi, với giá bán thấp nhất 85.000 đ/kg nên mỗi năm đem về lợi nhuận từ 50 triệu đồng trở lên, ngoài ra nuôi dê hàng năm cung cấp lượng lớn phân hữu cơ bón cho cây tiêu (lượng phân bón từ 10 dê nái bón đáp ứng tối đa nhu cầu cho 1100 nọc cây tiêu) vừa tăng năng suất cây tiêu. Anh Thiết không chỉ nuôi dê thương phẩm bán sản phẩm thịt ra thị trường mà còn là địa chỉ cung cấp con giống uy tín cho bà con tại địa phương và các xã lân cận, ngoài ra anh luôn là người luôn đi đầu trong các phong trào khác tại nơi sinh sống, luôn chi sẽ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sở tại khi họ có nhu cầu, động viên và hỗ trợ bà con chăn nuôi cũng như đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nếu thị trường bất lợi.Hướng tới anh sẽ phát triển quy mô đàn từ 300 con trở lên và thu mua dê tại địa phương để cung cấp cho các thị trường ngoại tỉnh như Đồng Nai, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Cũng từ kinh nghiệm của gia đình anh Thiết và nhiều gia đình nông dân khác thì để nuôi 100 dê nái khép kín cần diện tích 4-5 ha cây trụ sống trồng tiêu mới đáp ứng được tối đa lượng thức ăn cho số lượng dê nói trên. Thuận lợi lớn nhất của nuôi dê là ít bệnh, dễ quản lý, ăn nhiều loại thức ăn, dễ tiêu thụ, giá bán cao…nhưng trở ngại hiện nay đó là chất lượng con giống chưa cao do chủ yếu nuôi dê địa phương và dê Bách Thảo nên chưa phát huy được ưu thế về sản lượng thịt sản xuất hàng năm; nguồn thức ăn tuy phong phú nhưng về mùa khô nhiều lúc cũng thiếu hụt nên phải giảm đàn do nhiều nông dân chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật về chế biến và dự trữ thức ăn; thị trường nhiều năm qua dễ tiêu thụ và dê luôn bán ở mức giá cao song trong những năm tới khi số lượng đàn dê phát triển mạnh thì sẽ bán giá thế nào? Ở đâu? Đang luôn là trăn trở của rất nhiều nông dân khi mà các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp chưa thực sự tìm đầu ra cho họ!... Nuôi dê kết hợp trồng tiêu đang là thế mạnh của ngành nông nghiệp tại xã Lộc Quang (huyện Lộc Ninh) và theo như ông Hoàng Anh Tính (Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quang) thì hiện địa phương có trên 70% hộ nông dân áp dụng với hơn 2.500 con dê. Đây được coi là hướng đi phù hợp với lợi thế tại địa phương và bà con nơi khác có thể học hỏi và áp dụng nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình và làm giàu cho xã hội. Hướng sản xuất nông nghiệp vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa bảo đảm phát triển ổn định và bền vững./.
Tác giả bài viết: KS. Nguyễn Xuân Trường
Nguồn tin: Theo Tạp chí điện tử hội nhập văn hóa và phát triển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây