HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH SẢN XUẤT KẾT HỢP CHĂN NUÔI VÀ TRỒNG TRỌT TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT DƯỚI 2 HA

Thứ ba - 02/12/2014 22:36 7.205 0
Thời gian qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao với diện tích dưới 2 ha. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình anh Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập là một trong những điển hình như vậy.
Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, biết hoạch toán thu-chi, biết cách ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và biết kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi để hỗ trợ qua lại nhằm giảm chi phí trong sản xuất. Đó là bí quyết thành công của anh Nguyễn Văn Tằm. Anh cho biết với diện tích 1,9 ha “Gia đình mình hiện có 12 con heo nái, 2 con heo đực giống, hàng năm xuất chuồng khoảng 300 con heo thịt, 500 con gà thịt; 1,3 ha trồng cà phê ghép xen trong vườn điều, sản lượng điều năm 2013 đạt 2 tấn, cà phê đạt 2,3 tấn; 0,4 ha tiêu, sản lượng đạt 1,3 tấn”. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 408 triệu đồng/1,9 ha”. Có được thu nhập ổn định, tích cực như vậy, theo anh Tằm là do bản thân anh cùng gia đình đã nhận thức và lựa chọn hướng đi hợp lý trong phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Được biết, thời gian đầu gây dựng gia đình anh cũng gặp không ít khó khăn: Không kinh nghiệm, không hiểu biết, ít vốn, ít các mối quan hệ... Tất cả đều phải tự học, tự làm. Nhờ lòng quyết tâm và ước mơ làm giàu cùng sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và chính quyền địa phương mà những khó khăn ban đầu nhanh chóng qua đi. Trao đổi về kinh nghiệm sản xuất anh Tằm cho biết: Để thực hiện chăn nuôi kết hợp trồng trọt thành công người dân phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Ngoài ra, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ quá trình sản xuất cũng là yếu tố quyết định thành công của mô hình. Đối với nuôi lợn, chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố lợp bằng mái lá hoặc ngói, cao 3 – 4 m, thoáng mát, nhận được ánh nắng buổi sáng, tránh nóng bức về buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp về mùa đông, mùa hè mát mẻ. Trong suốt quá trình nuôi thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý, giai đoạn còn nhỏ cần chế độ cho ăn đặc biệt, thực hiện chế độ tiêm phòng đầy đủ... để lợn con khỏe mạnh, lớn nhanh đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài chăn nuôi, anh Tằm còn được nhiều người dân địa phương biết đến là một trong những nông dân đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật như năm 2011 anh đã áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê và anh là một trong những nông dân đầu tiên trong xã thâm canh cây hồ tiêu theo hướng sinh học. Với sự nỗ lực trong thực hiện kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt của gia đình anh Nguyễn Văn Tằm đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Anh Tằm tâm sự, để các hộ dân có diện tích đất hạn chế có thể kiếm sống được trên mảnh đất nhà mình cần có sự giúp sức của ngành nông nghiệp cũng như các cấp chính quyền như: Xây dựng chuổi liên kết để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, xây dựng các mô hình về cây trồng, vật nuôi có hiệu quả giúp nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm cộng với quyết tâm và mong ước vươn lên làm giàu trên mãnh đất nhà mình thì các gia đình có diện tích nhỏ hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tác giả bài viết: Nguyễn Trường Sơn-TTKNKN
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây