Kỹ thuật trồng cây tía tô làm dược liệu

Thứ ba - 30/05/2023 23:22 1.047 0
Tía tô không chỉ được coi là một loại rau thơm để ăn, tía tô còn được dân gian coi là thảo dược. Theo y học cổ truyền, tía tô chứa tinh dầu, tác dụng phát hãn, trừ ôn dịch, lý khí tiêu đờm, dùng chữa cảm cúm, đau đầu, xổ mũi, viêm họng, chống dị ứng, trị nôn, đau trướng bụng. Sau đây xin giới thiệu đến bạn đọc kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tía tô.
1. Thời vụ trồng
Miền nam có thể thể trồng cây tía tô quanh năm trên đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Vụ chính là vụ xuân tháng 2-3, vụ thu tháng 6-8.
2. Uơm giống cây con
2.1. Làm đất ươm hạt
Cày đất 2 lần, bón vôi phơi ải đất trước khi gieo hạt khoảng 14 ngày.
Lên luống kích thước 1-1,2m x 10m x cao 20cm, bón phân lót (phân trùn quế, hoặc phân chuồng ủ hoai mục) số lượng khoảng 50 kg/luống,  trấu hun 30kg/luống, san bằng mặt luống.
2.2. Hạt giống
Chọn hạt giống có chất lượng tốt của các công ty uy tín, với số lượng hạt khoảng 50-60gr/1000m2.
2.3. Tiến hành gieo hạt
Hạt tía tô rất nhỏ vì vậy khi rải nên trộn hạt giống với cát xây dựng (10-20gr hạt/1kg cát) rải đều trên mặt luống, tưới nước giữ ẫm, ngày tưới 2 lần sáng/chiều, sau  7-10 ngày hạt bắt đầu nảy mầm.
2.4. Chăm sóc cây trong vườn ươm
Tưới nước: Tưới nước giữ ẩm, ngày tưới 2 lần sáng/chiều.
Phòng trừ sâu, bệnh: Sau 20 -25 ngày nên phun thuốc phòng rệp sáp có hoạt chất Ebamectin 5,0 EC. Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn để phát hiện sớm tình hình sâu, bệnh gây hại để tiến hành phun xịt.
Chăm sóc: Nhổ cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, tưới thúc cây 1 lần bằng phân NPK 16: 16: 8 với nồng độ pha loãng 1%. Sau khi gieo 30- 35 ngày cây đạt 5-6 lá thật tiến hành cấy cây ra vườn.
3. Trồng và chăm sóc:
3.1. Làm đất
Cày đất 2 lần cách nhau từ 7- 10 ngày. Sau cày lần 2 khoảng 3- 5 ngày tiến hành lên luống kết hợp bón vôi 200 kg/1.000 m2, cào san phẳng mặt luống phơi ải đất khoảng 14 ngày, tiến hành cuốc xáo đất, bón phân lót (phân trùn quế, hoặc phân chuồng ủ hoai mục) số lượng khoảng 1 – 1,5 tấn/ 1000m2, trấu hun 500 – 700kg/ 1000m2 sau đó tiến hành phủ màng phủ.. 
3.2. Gieo trồng
- Thiết kế luống: Luống cách luống 50cm (để dễ đi lại chăm sóc cây). Bề ngang mặt luống 2m với chiều dài luống từ 45m-50m (chiều dài tùy thuộc vào luống đất có sẵn) phù hợp để thết kế hệ thống tưới với 2 luống thiết kế một đường béc tưới, khoảng cách các béc là 4m, dùng béc tưới phun mưa có bán kính tưới 4m và lưu lượng nước là 60-120l/h.
- Mật độ gieo trồng: Đối với tía tô trồng lấy tinh dầu trồng với khoảng cách 30x40 cm. Sau khi xác định khoảng cách cấy cây tiến hành đục lỗ màng phủ với đường kính lỗ từ 10-12cm, móc lỗ luống để bón lót phân trùn quế hoặc phân chuồng hoai mục mỗi gốc cây khoảng 0,5 -1kg.
- Cấy giống: Nên cấy cây giống vào buổi chiều mát, để đảm bảo cây sống tốt sau khi cấy cây nên phủ rơm hoặc lưới đen sau 3 ngày thì dỡ bỏ (tiến hành trồng dặm trong 3 ngày đầu). Tưới nước giữ ẩm tưới ngày 2-4 lần, mỗi lần tưới từ 30 – 60 phút tùy thuộc thời tiết.
Tại Bình Phước cây tía tô có thể trồng quanh năm
3.3. Chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại
Tưới nước: Tưới nước giữ ẩm, 2 lần/ngày với lượng tưới 30-60 phút/lần tưới. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết ta có thể thay đổi lượng nước tưới cho phù hợp.
Chăm sóc: Sau khoảng 20 – 25 ngày sau cấy tiến hành làm cỏ lần 1và sau 40 ngày tiến hành làm cỏ lần 2.
Bón phân:
- Lần 1: Sau khi cấy giống 5-7 ngày tiến hành bón phân humic. Sau khoảng 15 ngày tiến hành bón phân NPK đợt 1 (30:9:9) pha loãng tưới với nồng độ 2%. Sau tưới phân 15 – 20 phút phải tưới nước để rửa lá chống hiện tượng cây bị cháy lá
- Lần 2: Bón phân NPK(30:9:9) pha loãng tưới nồng độ 2% và bón phân humic lần 2.
- Lần 3: Để nâng cao chất lượng tinh dầu sau 35 ngày tiến hành bón phân NPK 16:16:16 pha loãng với nồng độ 2%.
Quản lý sâu bệnh hại:
- Lần 1: Sau 10 ngày tiến hành phun thuốc rệp sáp bằng hoạt chất các hoạt chất Ebamectin 5,0 EC, Metarhizum sp, Abamectin, Beauveria sp và thuốc bệnh bằng hoạt chất Mancozeb.
- Lần 2: Sau 20 ngày tiến hành phun thuốc phòng sâu bệnh lần 2 bằng hoạt chất Mancozeb + Abamectin.
- Lần 3: Sau 30 ngày tiến hành kiểm tra, thăm vườn phun thuốc trị rệp sáp hoặc có thể phòng rệp sáp bằng các loại thuốc có hoạt chất Ebamectin 5,0 EC
Thường xuyên thăm vườn, tùy tình sâu bệnh trên vườn để tiến hành phun thuốc.  trước khi thu hoạch 30 ngày thì ngưng phun thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo cách ly an toàn.
4. Thu hoạch  
Thu thành nhiều đợt, thu hoạch phần ngọn hoặc lá khi cây cao 40-70 cm, khoảng 2-3 tháng sau khi gieo hoặc cấy. Thu đợt tiếp theo khi cây tái sinh phần ngọn. Khi cây bắt đầu ra hoa tiến hành thu hoạch toàn bộ kết thúc chu kỳ của cây.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Cương
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây