Bình Phước 1.525 ha cao su bị nhiễm bệnh vàng rụng lá Corynespora
Tuyết Nhung- VP Sở
2013-09-10T21:30:43-04:00
2013-09-10T21:30:43-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/Tinh-hinh-dich-hai-thien-tai/Binh-Phuoc-1-525-ha-cao-su-bi-nhiem-benh-vang-rung-la-Corynespora-258.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2013_08/cao-su.jpg
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Theo nguồn tin từ Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện cả tỉnh có khoảng trên 200.000 ha cao su. Hiện nay cao su bị các bệnh hại như: Vàng rụng lá, nấm hồng, héo đen đầu lá… gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Tính đến ngày 26/8/2013, bệnh vàng rụng lá Corynespora nhiễm bệnh 1.525 ha, trong đó ở mức độ nhẹ 1.185 ha, trung bình 292 ha, nặng 48 ha (giảm 68 ha so với kỳ trước). Tập trung chủ yếu ở Bình Long 546 ha, Đồng Phú 340 ha, Bù gia mập 330 ha… Riêng bệnh Nấm hồng có tổng diện tích nhiễm 749 ha: ở mức độ nhẹ 671 ha, trung bình 78 ha. Hiện nay, do mưa nắng xen kẽ, diễn biến bệnh có thể tăng nhanh trong tuần tới. Trước tình hình đó, Chi cục Trồng trọt – BVTV đã đề nghị biện pháp xử lý, chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương như tập trung theo dõi các đối tượng bệnh hại như: Vàng rụng lá, nấm hồng, loét sọc mặt cạo, héo đen đầu lá…; bệnh vàng rụng lá Corynespora có chiều hướng diễn biến bất thường trong mùa mưa, vì vậy, bà con cần chú ý kiểm tra vườn và có biện pháp phòng trừ, như sử dụng thuốc gốc Hexaconazole (Anvil 5SC, Saizole 5SC, Vivil 5SC…), thuốc gốc Carbendazim (Vicarben 50SC, Carbenzim 500 FL, Carbenvil 50SC, Carban 50SC, Benzimidine 50SC…) hoặc các loại thuốc phối trộn sẵn gốc Carbendazim và gốc Hexaconazole ( Casuvin 250SC, Vixazol 275 SC, Arivit 250 SC…)./. Bệnh vàng rụng lá do nấm Corynespora cassiicola gây ra. Nấm thường xuất hiện, phát triển thuận lợi khi điều kiện môi trường ẩm độ, nhiệt độ cao, khả năng phát tán nhờ gió. Vì vậy, bệnh phát triển rất nhanh. Bào tử nấm phóng thích vào ban ngày và cao điểm từ 8-11 giờ trưa. Sau thời gian mưa nhiều và tiếp theo nắng ráo, số lượng bào tử phóng thích nhiều nhất. Bào tử có khả năng tồn tại trên các vết bệnh hoặc trong đất với thời gian dài, trên lá cao su khô nấm vẫn tồn tại và giữ nguyên khả năng gây bệnh đến 3 tháng. Chính vì vậy, khi phát hiện ra cây cao su chớm bị bệnh cần thu gom, tiêu hủy nguồn gây bệnh ngay để tránh phát tán bệnh sang vùng khác./.
Tác giả bài viết: Tuyết Nhung- VP Sở
Nguồn tin: Bộ phận Phát triển nông thôn-Văn phòng Sở