Bình Phước: Rủi ro nghề nuôi chim yến

Thứ tư - 06/08/2014 02:36 5.951 0
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, phong trào xây “lâu đài” nuôi chim Yến với mục đích làm giàu từ bán tổ Yến phát triển mạnh. Ước tính trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 100 hộ dân đầu tư nuôi chim Yến, tập trung chủ yếu ở thị xã Đồng Xoài, các huyện Bù Gia Mập, Chơn Thành, Đồng Phú. Những hộ nuôi chim Yến đã có thu nhập, phần lớn tập trung ở thị xã Đồng Xoài.
Tổ Yến có giá trị kinh tế cao với giá bán từ 35-40 triệu đồng/kg, chính vì đó mà nghề nuôi chim Yến cũng được liệt vào hạng “siêu lợi nhuận”, nhiều hộ dân ở Bình Phước đầu tư tiền tỷ với mong muốn trở thành tỷ phú nhờ nuôi chim Yến. Nhưng nghề này cũng đang gặp rất nhiều những rủi ro mà không phải ai cũng có thể nhận ra được. Trước hết là kỹ thuật nuôi chim Yến, đa phần những hộ nuôi chim Yến hiện nay ít nắm được hết những kỹ thuật nuôi Yến một cách rõ ràng mà chỉ phụ thuộc vào các dịch vụ tư vấn với công nghệ dẫn dụ chim tự nhiên vào nhà làm tổ. Nếu thuận lợi, Yến về làm tổ nhiều thì hiệu quả kinh tế cao (vì trung bình trong một năm một cặp chim Yến có thể làm tổ từ 2 đến 3 lần). Nhưng không phải ai xây nhà nuôi chim Yến cũng thành công. Vì vậy, rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà bạc tỷ mà không dẫn dụ được đàn Yến vào, hoặc có Yến vào rồi lại bỏ đi. Mặt khác nghề nuôi Yến đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Mọi chi phí như đất nền, xây dựng nhà nuôi Yến, phí chuyển giao công nghệ, mua thiết bị âm thanh, chất dẫn dụ… mà người nuôi bỏ ra có thể tính đến tiền tỷ. Theo khảo sát, giá xây nhà yến dao dộng từ 1,8triệu đồng/ m2 đến 2triệu đồng/m2; giá chuyển giao công nghệ, thiết bị… từ 600 đến 800.000 đồng/m2. Với mức giá này, xây một nhà Yến với diện tích 300m2 thì số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng. Do quá kỳ vọng vào lợi nhuận đem lại của việc nuôi chim Yến, nhiều hộ dân đã vay mượn, cầm cố, thế chấp tài sản để xây dựng một căn nhà Yến mà quên rằng trung bình sau hơn 1 năm từ khi bắt đầu đưa nhà Yến vào hoạt động mới bắt đầu có được thu hoạch. Hơn nữa, việc nuôi chim yến ồ ạt, không theo quy hoạch như hiện nay sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Những hộ dân sống cạnh nhà nuôi Yến phải chịu tra tấn bởi tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim Yến suốt ngày đêm. Chưa kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh từ phân và lông chim yến rơi vãi… vì nhiều hộ dân sống chung với chim yến trong một ngôi nhà, các nhà nuôi yến đều nằm ngay trong khu dân cư. Đáng chú ý, trong giai đoạn hiện nay, khi nguy cơ dịch cúm A/H5N1 và A/H7N9 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường thì việc nuôi chim yến tự phát, thiếu sự kiểm soát sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, đầu ra của sản phẩm tổ yến cũng là một vấn đề nan giải. Hầu hết các công ty tư vấn, bán trang thiết bị xây dựng nhà yến đều thỏa thuận với người đầu tư là sẽ bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái như hiện nay, người tiêu dùng nào cũng thắt chặt hầu bao, thật khó để có thể tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm đắt giá này. Để nghề nuôi yến phát triển bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần có quy hoạch những nơi được phép nuôi yến, hỗ trợ kỹ thuật và định hướng cho các hộ nuôi yến một hướng phát triển hợp lý. Ngoài ra, cũng cần xây dựng được những thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm đắt giá này. Nếu giải quyết tốt những vấn đề trên, nghề nuôi chim Yến thực sự là một nghề có nhiều triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề nông nghiệp của địa phương.
Tác giả bài viết: Dương Thúy - Phòng QLXD công trình
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây