Đề án đề ra mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025 sẽ trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.
Diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên khoảng 91 nghìn ha; trong đó, trồng tái canh 64 nghìn ha, ghép cải tạo 27 nghìn ha. Diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 tại các tỉnh trồng cà phê khác khoảng 16.000 ha, gồm trồng tái canh 11.000 ha và ghép cải tạo 5.000 ha.
Riêng đối với tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện tái canh tổng diện tích 2.300 ha; trong đó, trồng tái canh 2.100 ha, ghép cải tạo 200 ha. Tiến độ thực hiện như sau:
+ Năm 2021: trồng tái canh 400 ha, ghép cải tạo 40 ha.
+ Năm 2022: trồng tái canh 400 ha, ghép cải tạo 40 ha.
+ Năm 2023: trồng tái canh 400 ha, ghép cải tạo 40 ha.
+ Năm 2024: trồng tái canh 400 ha, ghép cải tạo 40 ha.
+ Năm 2025: trồng tái canh 500 ha, ghép cải tạo 40 ha.
Đề án tái canh cà phê sẽ góp phần cơ cấu lại ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc tái canh cà phê chỉ thực hiện ở vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp theo nguyện vọng của các đối tượng trồng cà phê và phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành. Để đạt hiệu quả thì cần phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước.