Tình hình sản xuất điều niên vụ 2021-2022

Thứ tư - 20/07/2022 04:14 963 0
Diện tích cây điều là 151.124 ha chiếm hơn 30% tổng diện tích cây nông nghiệp lâu năm và chiếm 30,21% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của tỉnh đạt gần 1 đến 1,2 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng số GDP của ngành Nông nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50.000 lao động tại 1.416 cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn, góp phần ổn định cuộc sống cho 71.612 hộ trồng điều.
1. Về tình hình sản xuất điều niên vụ 2021-2022
Trong 151.124 ha có 147.729 ha cho sản phẩm, năng suất trung bình 11,54 tạ/ha sản lượng điều đạt 170.500 tấn. Có các nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây điều như: thời tiết, giống, đầu tư thâm canh.
- Về thời tiết: Mùa mưa kết thúc muộn, mưa rải rác nhiều đã ảnh hưởng quá trình ra bông, đậu trái là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất, sản lượng điều bị giảm.
- Về giống: Hiện nay khoảng 45.000 ha điều ghép là các giống điều PN1, AB 29, AB 0508 đang được địa phương đánh giá khá cao cho bông nhiều, đậu trái tốt.
- Về thâm canh (đầu tư): Năng suất bình quân khu vực thâm canh là 12,05 tạ/ha, khu vực không thâm canh chỉ đạt có 5,69 tạ/ha. Cho nên vườn điều khi được chăm sóc cơ bản và cải tạo đúng giống, không bị ảnh hưởng của thời tiết thì năng suất bình quân có thể đạt 2,0 tấn/ha.
2. Công tác chỉ đạo sản xuất.
- Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 1986/SNN-VP ngày 08/10/2021 về việc chỉ đạo chăm sóc vụ điều niên vụ 2021-2022 gửi các đơn vị UBND các huyện, đài, báo, các đơn vị chuyên môn của Sở, theo đó, cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện thị, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh hại trên cây trồng và chỉ đạo đơn vị chuyên môn bám sát hướng dẫn bà con nông dân trồng điều chăm sóc theo từng giai đoạn và yêu cầu cơ quan Truyền thông, thông tin thường xuyên và kịp thời đến bà con nông dân trồng điều để nắm bắt diễn biến dịch hại và biện pháp chăm sóc điều theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Trước khi chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa đậu trái, Lãnh đạo Sở cùng với Tổ phòng trừ dịch hại và chỉ đạo sản xuất đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện, thị, thành phố về công tác chuẩn bị tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thời gian cây Điều chuẩn bị ra hoa, đậu trái và thu hoạch, chỉ đạo về chuyên môn đối với các Phòng Nông nghiệp & PTNT/Phòng Kinh tế và Trung tâm DVNN tỉnh và cấp huyện để tập trung toàn bộ nguồn lực cho vụ Điều.
- Về hướng dẫn cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây điều và phòng trừ theo từng đối tượng dịch hại: Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã có công văn 139/TTDVNN_KT ngày 18/10/2021 về việc hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây điều giai đoạn ra hoa, đậu trái niên vụ 2021-2022.
Ngoài ra, để hỗ trợ cho địa phương chỉ đạo sát cho cây điều Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, nhận định tình hình và hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc điều.
3. Về đầu tư hỗ trợ phát triển vườn điều
Ngoài Dự án Xây dựng và Phát triển mô hình sản xuất điều bền vững với 4 hợp phần là: Trồng mới, thâm canh, tái canh và liên kết do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đầu tư. Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã hỗ 85.000 cây tương ứng 425 ha cho các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh Bù Đốp.
4. Về liên kết trong sản xuất.
Hiện nay có 39 tổ hợp tác sản xuất điều với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động dưới hình thức hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất, kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó có 38 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất Điều với diện tích canh tác khoảng 3.000 ha, trong đó có 10 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất Điều với các doanh nghiệp.
5. Thuận lợi, khó khăn trong niên vụ 2021-2022
5.1. Thuận lợi
- Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp phát triển Điều bền vững.
- Về chủ trương tỉnh đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây điều giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 21/9/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 15/4/2020 về phát triển cây điều giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
- Trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại đã có quy trình thâm canh cũng như quy trình quản lý bệnh thán thư và bọ xít muỗi trên cây điều do Cục Bảo vệ thực vật – Bộ nông nghiệp &PTNT ban hành.
- Thời gian đầu tư chăm sóc không cần thường xuyên nên có thể kết hợp chăm sóc nhiều cây trồng khác như: trồng xen, chăn nuôi dưới tán tận dụng quỹ đất trống tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ sản xuất điều.
- Chế biến: Từng bước được đầu tư và cải tiến công nghệ đáp ứng nhu cầu  và hướng tới chế biến sâu sản phẩm nhân, vỏ hạt điều.
5.2. Khó khăn.
- Giá nhân công lao động, giá phân bón, thuốc BVTV đang ở mức cao khiến người dân giảm mức đầu tư cho cây điều..
 - Giá bán nông sản điều thấp nên cây điều luôn bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
- Chất lượng vườn điều cần phải quan tâm và chủ trọng cải tạo thời gian tới do diện tích điều già cỗi chiếm tỷ lệ cao.
- Việc phát triển các chuỗi liên kết và các Hợp tác xã chuyên cây điều còn chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng diện tích điều toàn tỉnh nên việc gắn kết sản xuất còn nhiều hạn chế.
- Trái giả và vỏ nhân hạt điều còn chưa được sử dụng hợp lý nhằm nâng cao giá trị của vườn điều.
Tác giả bài viết: Vũ Thị Quế
Nguồn tin: Bộ phận TT và BVTV-Văn phòng sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây