Bộ NN và PTNT: Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm

Thứ tư - 19/02/2014 04:19 595 0
Chiều ngày 18 tháng 2 năm 2014, tại Bộ Nông nghiệp và PTNT diễn ra Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự và chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại Hà Nội có đại diện Ban chỉ đạo Phòng chống cúm gia cầm; các Bộ, ngành liên quan. Đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc dự họp. Tại các điểm họp trực tuyến ở các tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ban, ngành liên quan. Tại Hội nghị, Cục Thú y cho biết, tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 từ năm 2007 đến nay chỉ xảy ra ở dạng nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi gia đình. Năm 2013, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 50 xã, phường của 23 huyện, quận thuộc 7 tỉnh. Hiện nay có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh gồm: Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Long An, Tây Ninh, Đăk Lăk, Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên, Lào Cai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 23.819 con (bình quân mỗi tỉnh có 2.000 con mắc bệnh), số gia cầm bị tiêu hủy là 30.777 con (gà chiếm 25%, vịt 75%). Hiện nay, chưa phát hiện gia cầm, môi trường và người tại Việt Nam bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Trong khi đó, từ đầu 2014, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nước trong khu vực như Campuchia (H5N1), Trung Quốc (H5N1, H5N2, H10N8, H7N9), Hàn Quốc (H5N8). Dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc vẫn hoành hành với hơn 350 ca nhiễm và 67 người đã tử vong. Nhiều chủng virus cúm nguy hiểm khác đã được phát hiện ở các nước châu Á. Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định trong thời gian tới, các ổ dịch cúm A/H5N1 có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ tại một số địa phương do tái đàn mới chưa có miễn dịch, nhất là trên thủy cầm. Đối với cúm A /H7N9, nguy cơ vi rút xâm nhập rất cao, nhất là tại ácc tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc. Tổ chức FAO nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm virut cúm A/H7N9 từ Trung Quốc. Vi rút đã được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị, cả hai loại virus này đều đáng sợ. Ở trong nước, hai người ở Đồng Tháp và Bình Phước đã tử vong vì A/H5N1 còn ở Trung Quốc, số người nhiễm A/H7N9 trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2014 đã cao hơn cả năm 2013. Virus A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng đã có dấu hiệu thích nghi, biến đổi với động vật có vú, dù chưa có khuyến cáo về lây từ người sang người. http://www.khuyennongvn.gov.vn/Portals/0/Anh-Thong-Tin-Huan-Luyen/tructuyen_gc_2014.JPG Toàn cảnh Hội nghị Tại hội nghị trực tuyến, tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được kế hoạch hành động khẩn cấp của Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) để quyết liệt ngăn chặn và chống dịch, tỉnh đã lập tức lên kế hoạch chi tiết đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như ban hành lệnh nghiêm cấm mọi hành động vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới dưới mọi hình thức. Đặc biệt, tỉnh đã ráo riết triển khai lực lượng bịt chặt các địa bàn có nguy cơ cao tại các đường mòn, lối mở, các khu vực cánh gà ven các cửa khẩu chính. Đối với các chợ gia cầm nội địa, tỉnh đã yêu cầu có khu vực cách li riêng, đồng thời thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ sau mỗi buổi chợ và sẽ đóng cửa chợ 1 lần/ tháng theo hướng dẫn của BCĐ Quốc gia phòng chống CGC. Trước nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào nước ta rất nguy hiểm Lạng Sơn đã lên phương án chi tiết cho các tình huống. Theo đó, tỉnh đã xác định để ứng phó trong tình huống phát hiện virus cúm A/H7N9 xâm nhập, tỉnh đã chuẩn bị các khu cách ly và dành 100 giường/điểm cách li, cùng các lực lượng, thiết bị y tế sẵn sàng trực chiến. Đa số ý kiến của các địa phương tại hội nghị trực tuyến tập trung đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cung cấp vắcxin, thuốc sát trùng ngăn cúm A/H5N1, hỗ trợ về năng lực giám sát, quản lý cúm gia cầm. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, hai nhiệm vụ ngăn virus A/H7N9 xâm nhập và ứng phó với A/H5N1 đều phải được xác định là quan trọng. Theo số liệu của Cục Thú y, virus A/H5N1 lưu hành đã ở mức tương đối nghiêm trọng, tỷ lệ 6 trên 100 con gia cầm hay 61 trên 100 chợ có virus nguy hiểm này. Bộ trưởng lưu ý, để ứng phó, việc đầu tiên cần làm là thông báo để người dân biết và tích cực chống. Bộ trưởng nêu kinh nghiệm 10 năm chống dịch với các nhóm giải pháp gồm: Tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ, tích cực và chủ động tham gia phòng chống dịch. Công khai để nhân dân biết và cùng tham gia chống dịch không giấu dịch; chỉ khi dân biết đúng tình hình thì họ mới có phản ứng thích hợp và ta mới chống dịch thành công. Các cơ quan chức năng và địa phương cần phối hợp làm tốt các giải pháp kỹ thuật một cách đồng bộ như chú ý tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắcxin. Lực lượng thú ý các cấp xác nhận từ gốc để kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển và buôn bán gia cầm dưới mọi hình thức. Có chính sách phù hợp để người dân tham gia (không bán chạy, không giấu dịch). Đề nghị các địa phương giáp biên giới đồng lòng ngăn chặn các loại virus trong đó có A/H7N9. Bộ trưởng đã kiến nghị Chính phủ một số đề nghị của địa phương, các ngành như: các địa phương sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương vào công tác phòng, chống dịch, nếu vượt quá khả năng thì đề xuất với Bộ để xin hỗ trợ từ nguồn dự phòng quốc gia. Hỗ trợ thêm vắcxin, bởi nguồn dự trữ hiện chỉ có 35 triệu liều. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có ý kiến chỉ đạo hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo điều kiện ở mức cao nhất để ngăn chặn CGC. Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng và địa phương thực hiện nghiệm lệnh cấm hoàn toàn việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đồng thời, các địa phương trong cả nước thực hiện rà soát các chợ gia cầm, thực hiện nghiệm kế hoạch hành động của BCĐ Quốc gia phòng chống dịch CGC. Thực hiện nghiêm 5 nhiệm vụ tại Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/2/2014. Thực hiện tốt tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng chống dịch CGC (Diễn ra từ ngày 22/2/2014 đến hết ngày 21/3/2014). Khẩn trương ban hành kế hoạch hành động ứng phó thật chi tiết và tỷ mỉ. Bên cạnh đó, để khống chế được dịch bệnh lây lan trên đàn gia cầm, Phó Thủ tưởng lưu ý, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, các địa phương cần tăng cường công tác này. Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mua tăng vắcxin CGC dự phòng Quốc gia lên 60 triệu liều. Về công tác báo cáo, Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện báo cáo diễn biến dịch với Chính phủ 1 lần/tuần; các địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và và PTNT 1lần/ngày. Còn đối với Cục thú y phải cập nhật tình hình dịch theo giờ trong ngày. Hiện, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 15 Đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch CGC tại các địa phương và thành lập 8 Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện cúm A/H7N9. Ngày 18/2, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tại tỉnh Quảng Ninh. Ngày 19/2, Đoàn công tác do bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm trưởng đoàn đã đi kiểm công tác phòng, chống dịch CGC tại tỉnh Lạng Sơn.
Nguồn tin: Văn phòng điều phối NTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây