Xây dựng nông thôn mới để giảm dân di cư tự do

Thứ sáu - 14/02/2014 03:20 811 0
Tốc độ gia tăng của dân di cư tự do ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn đang làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển của các địa phương.
Những năm qua, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, nhiều chính sách và hàng loạt dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước được triển khai đầu tư, xây dựng, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân có chỗ ở, đất sản xuất ổn định. Tuy nhiên, so với tốc độ gia tăng của dân di cư tự do xảy ra ở các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, việc quản lý, ổn định di dân tái định cư vẫn đang là bài toán khó đối với cơ quan quản lý Nhà nước và ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kế hoạch phát triển của các địa phương. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT). Ông đánh giá như thế nào về những chủ trương, chính sách trong giải quyết tình trạng di cư tự do thời gian qua? Ông Tăng Minh Lộc: Trong 9 năm qua, tổng số vốn Trung ương hỗ trợ cho các địa phương là hơn 30.000 tỷ đồng, tính cả giá trị về đất đai, dự án hỗ trợ các vùng tái định cư, đồng bào xây dựng cơ sở hạ tầng. Những chính sách này, trong điều kiện đất nước khó khăn, là nỗ lực rất cao của chúng ta nhằm giảm thiểu vấn đề dân di cư tự do. Nếu như bình quân giai đoạn 5 năm (2005-2010) mỗi năm số dân di cư tự do khoảng 5.600 hộ, thì đến giai đoạn 2011-2013 bình quân mỗi năm khoảng 900 hộ và năm nay chỉ có khoảng 700 hộ là di dân tự do. Có 3 nguyên nhân chủ dẫn đến di dân tự do, đó là: Do kinh tế đói nghèo mà phải đi; tập quán của người dân tộc thiểu số; và sự lôi kéo kích động của các đối tượng xấu. Chính vì vậy, những giải pháp của chúng ta cũng phải điều chỉnh. Để giải quyết tình trạng này cần phải có những giải pháp gì, thưa ông? Ông Tăng Minh Lộc: Các chính sách của chúng ta đều hướng đến vấn đề tập trung cho những nơi mà cuộc sống của đồng bào còn quá khó khăn để giúp họ ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập để tránh di dân tự do. Theo tôi, đối với những vùng mà dân di cư tự do đến thì chúng ta cũng phải có chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống của đồng bào, kể cả nơi ở và sản xuất. Hiện nay chúng ta có quá nhiều chính sách, ví dụ như: Chính sách 134 giải quyết đất ở; 135 đối với những xã đặc biệt khó khăn; 32, 33 về hỗ trợ vốn sản xuất; 102 hỗ trợ định canh định cư; 193 về di dân các vùng thiên tai nguy hiểm, và một số chính sách khác. Khi đi thực tế, qua trao đổi với các chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện các tỉnh miền núi, chúng tôi thấy nhiều đồng chí không nhớ hết trên địa bàn mình có bao nhiêu chính sách đối với hộ nghèo và giúp giải quyết di dân tự do. Do đó, chúng ta cần rà soát, loại bỏ chính sách chồng chéo để tập trung vào những chính sách căn cơ hơn. Vậy theo ông, giải pháp cần thực hiện ngay cho vấn đề này trong thời gian tới là gì? Ông Tăng Minh Lộc: Tôi cho rằng, hiện nay chúng ta cần tập trung vào 2 chính sách là xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cần chú trọng đến chính sách xây dựng nông thôn mới, vì đây là chính sách toàn diện và bao trùm tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến phát triển văn hóa cho đến phát triển hạ tầng và an ninh và đào tạo cán bộ. Bên cạnh đó cần có thêm cơ chế hỗ trợ thêm cho những xã đặc biệt khó khăn ví dụ như vùng bãi ngang, hải đảo, những xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, vùng biên giới và những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc vùng 30a, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng phụ cận Tây Nguyên. Như thế sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý Nhà nước, tập trung được nguồn nhân lực và tổ chức thực hiện của cán bộ ở các địa phương. Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo baocantho.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây