Hội thảo bàn giải pháp phát triển điều bền vững

Thứ năm - 05/12/2013 15:26 746 0
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phát triển điều bền vững.
Tham dự Hội thảo có đại diện các Cục, Viện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN và PTNT, Chi cục Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Điều, Hội Nông dân của các tỉnh trồng điều, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, những năm qua, diện tích trồng điều của nước ta liên tục giảm. Việt Nam hiện đã rơi xuống vị trí thứ 3 trong số những quốc gia có diện tích và sản lượng thu hoạch lớn nhất thế giới và có nguy cơ tụt xuống vị trí thứ 4 trên thế giới, sau Ấn Độ, Bờ Biển Ngà và Braxin. Về chế biến, tổng số nhà máy chế biến điều cả nước năm 2012 là 465 nhà máy quy mô lớn, vừa và nhỏ ( nếu tính cả cơ sở quy mô “siêu nhỏ” như những “lò chẻ” quy mô hộ gia đình,… thì lên đến cả 1.000 cơ sở). Trong đó có 46 nhà máy quy mô lớn. Tổng công suất chế biến theo thiết kế của các nhà máy có thể đạt tới trên 1 triệu tấn điều thô/năm. Về chế biến sâu (snack, bánh kẹo điều, bơ điều, bột điều ăn liền,…) có 20 cơ sở chế biến với công suất 15.400 tấn sản phẩm/năm. Sự phát triển của công nghiệp chế biến tác động lớn đến nhu cầu thu mua, nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài của các doanh nghiệp. Ngoài 100% lượng điều nguyên liệu trong nước được tiêu thụ, các doanh nghiệp phải nhập khẩu trên 50% nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ chế biến (chủ yếu từ các nước Tây Phi , Campuchia, Indonesia). Cụ thể trong năm 2012, sản lượng hạt điều thu mua là 564.810 tấn, trong đó thu mua trong nước là 264.810 tấn với giá nhập kho bình quân 26.000 đồng/kg; nhập khẩu 300.000 tấn với giá nhập khẩu bình quấn 1.000 USD/tấn. Về xuất khẩu, suốt trong 7 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Braxin. Năm 2012, sản lượng xuất khẩu điều nhân 220.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1.500 triệu USD, đầu mối xuất khẩu là 330 đơn vị. Các ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến điều trong thời gian qua, đặc biệt là nguy cơ diện tích trồng điều ngay càng giảm do các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn cạnh tranh. Yêu cầu chung để ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới là: Phát triển sản xuất, chế biến điều phải đảm bảo khai thác tốt nhất cả 3 lợi ích: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp của cả nước; Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (bình quân 2 tấn/ha trở lên), nâng cao giá trị sản xuất có thể cạnh tranh được với các cây trồng khác, hình thành các vùng trồng điều tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, với bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Nguồn tin: (Tổng hợp từ hệ thống văn bản của tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây