Cần kích cầu tiêu dùng hạt điều trong nước

Thứ ba - 09/12/2014 04:13 789 0
Hiện nay, điều nhân và các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu đi 40 quốc gia. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Canada, Vương quốc Anh, Ấn Độ... Điều nhân của Việt nam chiếm 92% thị trường Úc. Nhưng tại nước nhà, người dân Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến mặt lợi ích khi sử dụng hạt điều làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mà chỉ dùng như là thức ăn chơi.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hạt điều là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Thành phần dinh dưỡng chính của hạt điều bao gồm protein, lipid, carbohydrate, nhiều chất khoáng quan trọng như phospho, magie, calcium, kali, sắt… Nếu sử dụng với một lượng thích hợp, thay thế cho thực phẩm có nguồn gốc động vật hạt điều có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây như: tim mạch, đái tháo đường…, đồng thời phục hồi sức khoẻ cho người bệnh." Nhân hạt điều là một thực phẩm dạng khô, giàu năng lượng hơn hẳn các thực phẩm khác như ngũ cốc, thịt cá… Tính trên 100 gr, nhân điều cung cấp 550 – 600 kcal, trong khi ngũ cốc chỉ cung cấp 300 – 350 kcal, nhóm thịt cung cấp 150 – 200 kcal. Khoảng 80% lượng chất béo trong nhân hạt điều là chất béo chưa bão hòa, trong đó chủ yếu là axit béo oleic tốt cho người có rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch hay người bệnh đái tháo đường có kèm theo triglyceride máu cao dai dẳng. Với đặc điểm giàu chất đạm, thành phần chất béo không bão hòa và có chỉ số đường huyết thấp, nhân điều không chỉ là thực phẩm bổ sung cũng như phối hợp với các thực phẩm khác để xây dựng thực đơn, chế biến món ăn cho người đái tháo đường, mà còn hứa hẹn nguồn nguyên liệu cung cấp chất đạm và các chất béo có lợi cho sức khỏe trong việc nghiên cứu và phát triển các thực phẩm chức năng. Thông tin trên được phổ biến tại Diễn đàn "Giá trị điều Việt Nam" do Hiệp Hội điều Việt Nam tổ chức vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh. Đa số các chuyên gia thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp cho biết sản phẩm hạt điều tiêu thụ chậm tại chính nơi nó được sản xuất và xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, do hầu hết người dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về giá trị của hạt điều. Đề cập đến nguyên nhân người tiêu dùng trong nước vẫn chưa có thói quen dùng sản phẩm được chế biến từ hạt điều, TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: "Sản phẩm vẫn chưa được quảng bá rộng rãi, chế biến còn đơn điệu, chỉ là điều rang muối, chao dầu, kẹo hoặc bánh có nhân điều. Để kích cầu tiêu dùng, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: "Các sản phẩm đưa ra bán theo kênh truyền thống hay hiện đại, các nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, bao bì mẫu mã cũng như chất lượng hàng hóa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả phải cạnh tranh, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam. Về phương thức bán hàng cần khai thác thêm hình thức trực tuyến ngoài kênh chợ truyền thống và siêu thị, nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập và kỷ nguyên số. Và ở cấp độ Nhà nước cần phải có chính sách, chiến lược phát triển dài hạn đối với sản phẩm hạt điều. Phát biểu tại Diễn đàn giá trị điều Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas cho biết: "Kế hoạch chiến lược của ngành điều sẽ đạt đến mức 10% tiêu thụ trong nước vào năm 2020. Thời gian tới ngành điều sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa cách tiếp cận người tiêu dùng, phát huy hiệu quả của các kênh phân phối bán lẻ, đưa thông tin về giá trị dinh dưỡng của hạt điều đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và giá cả cần phải phù hợp với người tiêu dùng trong nước"./.
Nguồn tin: Văn phòng điều phối NTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây