Các tỉnh Tây Nguyên trồng tái canh trên 41.300 ha cà phê vối

Thứ tư - 28/01/2015 02:30 1.318 0
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đến nay các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã trồng tái canh được trên 41.330 ha cà phê vối. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có diện tích đã trồng tái canh, ghép cải tạo nhiều nhất với trên 25.860 ha, kế đến là tỉnh Đắk Lắk có diện tích trồng tái canh 10.616 ha.
Các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích cà phê vối nằm trong vùng quy hoạch để đưa vào trồng tái canh. Cụ thể, diện tích cà phê được đưa vào trồng tái canh phải đáp ứng: có độ dốc dưới 15 độ; dễ thoát nước; chủ động được nguồn nước tưới; tầng đất dày trên 100 cm nhưng đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch trên 20 năm tuổi; năng suất nhiều năm liền dưới 1,5 tấn cà phê nhân/ha; ít bị tuyến trùng trong rễ; không thể áp dụng các biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo được. Đối với diện tích cà phê vối cũng nằm trong vùng quy hoạch có đủ các điều kiện để trồng tái canh, nhưng không bị các bệnh về tuyến trùng rễ, các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy trình cưa đốn phục hồi chọn chồi tái sinh để ghép các dòng cà phê vối chọn lọc có năng suất cao. Các nông hộ, doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chuẩn bị kỹ đất trồng như nhổ bỏ cây cà phê già cỗi ngay sau khi thu hoạch (tháng 12 và tháng 1), thu gom, đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi vườn cây, cày bừa kỹ đất, thực hiện luân canh bằng các loại cây ngắn ngày như đậu đỗ, ngô lai, bông vải, hoặc cây phân xanh họ đậu ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê. Các nông hộ, doanh nghiệp cũng đã thực hiện nghiêm túc quy trình đào hố, bón lót trước khi trồng tái canh cây cà phê. Đặc biệt, các nông hộ, các doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên đã sử dụng giống cây ghép và giống thực sinh cà phê vối bằng hạt lai đa dòng như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 do Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp để trồng tái canh. Đây là những giống cà phê mới đạt năng suất cao từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, có chất lượng tốt, cỡ hạt lớn đạt loại I trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Trong đó, có 4 dòng cà phê vối chín muộn, gồm TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô ở Tây Nguyên không những thuận lợi trong việc thu hoạch, không bị mưa trong quá trình phơi sấy, đồng thời, góp phần giảm lượng nước tưới cho cà phê trong mùa khô. Phần lớn diện tích cà phê vối sau khi trồng tái canh cũng đã được các nông hộ, doanh nghiệp đầu tư trồng cây che bóng, tủ túp, chăm sóc, bón phân, tưới nước đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển nhanh. Nhiều diện tích cà phê mới trồng tái canh bước vào năm thứ 3 ở các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV cà phê 706, Ia Grai, Ia Sao (Gia Lai), Thắng Lợi, Ea Pốk (Đắk Lắk) đã cho thu bói từ 2 đến 2,5 tấn cà phê nhân/ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phân loại, các ngành chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên cho biết, hiện nay, cũng có một số nông hộ tái canh cà phê vối thực hiện không đúng quy trình trồng tái canh, nhất là không luân canh, hoặc chỉ luân canh một vụ các loại cây ngắn ngày sau đó trồng lại ngay cà phê. Việc làm này dễ dẫn đến thiệt hại cho các nông hộ (bình quân 1 ha trồng tái canh 150 triệu đồng) vì vườn cây khi bước vào giai đoạn kinh doanh sẽ chết hàng loạt hoặc chỉ còi cọc không phát triển được. Thực tế, nhiều vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, sau khi tiến hành cày bừa, rà rễ, đào hố, xử lý hố và trồng lại ngay cà phê trong năm đó, kết quả, chất lượng vườn cây trong vài năm trồng mới (năm 1, năm 2) phát triển tốt. Tuy nhiên, bước sang năm thứ 3, hoặc chuẩn bị đưa vào kinh doanh, cà phê bắt đầu bị bệnh vàng lá, thối rễ, cây chết đứng dần. Các tỉnh Tây Nguyên đã khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp khi thực hiện tái canh cà phê vối cần thực hiện nghiêm túc quy trình tái canh mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh thiệt hại cho các nông hộ. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai sẽ tiếp tục trồng tái canh thêm 95.777 ha cà phê vối đã hết chu kỳ kinh doanh, già cỗi từ 20 năm tuổi trở lên, năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp. Tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk có diện tích cà phê vối cần trồng tái canh nhiều nhất trong khu vực./.
Tác giả bài viết: TTXVN
Nguồn tin: Báo điện Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây