Tìm hướng mới để phát triển cây ca cao tại Việt Nam

Thứ tư - 17/12/2014 19:37 680 0
Đề án phát triển ngành ca cao Việt Nam sẽ có trong quý I/2015 với định hướng phát triển về diện tích nhằm khuyến khích nông dân đến với cây trồng có tiềm năng lớn này.
Tại hội nghị về "Tình hình phát triển ca cao tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo: Cục Trồng trọt phải tiến hành rà soát lại quy hoạch, phải khách quan đánh giá lại tình hình phát triển cây ca cao và có các giải pháp cụ thể từ chính sách cho đến kỹ thuật, không chỉ đơn thuần là định hướng phát triển về diện tích nhằm khuyến khích nông dân đến với cây trồng có tiềm năng lớn này. Trên cơ sở đó xây dựng đề án phát triển cho ngành ca cao Việt Nam và trong quý I/2015 phải trình lên Bộ. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ca cao không còn là cây trồng mới, Bộ đã có quy hoạch từ rất sớm với 50.000ha đến năm 2020, đồng thời cũng có rất nhiều chương trình khuyến nông trong thời gian dài nhằm đưa cây ca cao trở thành một trong những cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, ca cao cũng là cây được sự quan tâm rất đặc biệt, từ khi chưa có vùng nguyên liệu lớn, nhưng đã có sự tham gia đầu tư mạnh của nông dân, doanh nghiệp và đặc biệt là các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm ca cao sản xuất vẫn chưa được như mong đợi, mới chỉ đạt 16.000ha (kể cả diện tích trồng xen canh). Đặc biệt, định hướng phát triển cho loại cây trồng này ở nhiều địa phương vẫn chưa rõ ràng, nông dân ngày càng không mặn mà với cây ca cao. Theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, đây là loại cây trồng cần sự đầu tư lớn cả về vốn và lao động. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ cho nông dân đến với loại cây trồng này gần như không có, trong khi lại phải mất công lao động quá nhiều, nên nông dân không mặn mà. Sự đầu tư manh mún đã khiến ca cao không phát triển thành công. Bên cạnh đó, công tác giống ca cao đối với nông dân gần như “mù tịt”. Loại giống nào phù hợp với đất nào chưa được một tổ chức nào công bố. Nếu giống tốt thì sản lượng có thể đạt 5-6 tấn/ha, nhưng thực tế nông dân sản xuất chỉ đạt khoảng 700-800kg/ha. Ông Phan Văn Đon cho rằng: Ban đầu cần có sự giảm thương mại hóa đối với cây giống và nguồn tín dụng tốt để khuyến khích nông dân tham gia trồng. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp để cùng xây dựng chuỗi giá trị, cũng như hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Cách tiếp cận cây ca cao còn chưa tốt, vẫn chủ yếu tiếp cận bằng mô hình, mà khi thực hiện mô hình chỉ cần mô hình đó thành công. Do vậy, Bộ phải có chiến lược cụ thể, cách tiếp cận cụ thể đối với cây trồng này. Bên cạnh đó, đây cũng không phải là cây xóa đói giảm nghèo, nếu xác định là cây để sản xuất hàng hóa cần có sự đầu tư xứng đáng. Trong khi cây cà phê được quá nhiều ưu đãi, còn cây ca cao vẫn chỉ ở mức độ hô hào, ông Thức nhấn mạnh. Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, để cây ca cao phát triển xứng với tiềm năng cần phải giải quyết được các khâu về kỹ thuật sản xuất, thị trường; tổ chức nông dân sản xuất và hình thành gắn các tổ chức thu mua giữa nông dân với doanh nghiệp và đặc biệt là những thông tin về thị trường ca cao để nông dân biết và hiểu rồi đến với cây ca cao. Theo Cục Trồng trọt, nhu cầu trên thế giới về ca cao là rất lớn, đây là cơ hội cho ngành ca cao Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nội địa khá cao và có xu hướng tăng. Hiện nay, trong nước mới sản xuất được khoảng 6.000 tấn hạt khô/năm do năng suất và diện tích còn khiêm tốn./.
Tác giả bài viết: Theo Báo điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây