Dự và chủ trì Hội nghị tại thành phố Pleiku có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên; Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các sở ban ngành 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và hơn 100 tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Báo cáo tại hội nghị cho biết Tây Nguyên có trên 5 triệu hecta đất nông nghiệp (chiếm 91,75% diện tích tự nhiên), khí hậu thuận lợi thích hợp cho trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Trong số đó, diện tích cây càphê hơn 668.000ha; cao su gần 230.000ha; hồ tiêu 77.600ha; sầu riêng 75.500ha; chanh leo 6.700ha; trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm và khai thác trên 700.000m3 gỗ rừng trồng/năm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại đầu cầu Bộ NN-PTNT (Hà Nội)
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của khu vực này đã đạt mức tăng trưởng khoảng 5%/năm; xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt trên 3,6 tỷ USD, tăng 28,91% so với năm trước đó.
Tại hội nghị, các đại biểu thông tin về lợi thế, tiềm năng và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên; chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững nhằm thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến sự đồng bộ về cơ chế, chính sách trong hệ thống phân cấp quản lý của địa phương; sự công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, sự công tâm của đội ngũ cán bộ; trình tự, thủ tục khi tham gia đầu tư; mức độ an toàn khi tham gia đầu tư tại địa phương…
Quang cảnh hội nghị tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, khu vực Tây Nguyên có tiềm năng to lớn về phát triển nông nghiệp nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, cùng với các sản phẩm nổi bật như cà phê, hồ tiêu, cao su và cây ăn trái nhiệt đới. Do đó, để tối ưu hóa hiệu quả phát triển, cần có sự đầu tư đồng bộ vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.
Trước những đề xuất của đại diện các doanh nghiệp và các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn. Với tư duy đổi mới, với sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở hơn, không giới hạn đối với nông nghiệp Tây Nguyên. Đồng thời, ông cũng gợi ý xây dựng các "vùng đệm" cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ở những khu doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư cùng các HTX, nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của thị trường nguyên liệu đầu vào như ngô và đậu tương, vốn chủ yếu phải nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, doanh nghiệp không chỉ là nhà đầu tư mà còn là nhà tư vấn cho địa phương để mở ra không gian giá trị mới nông nghiệp vùng Tây Nguyên; cùng địa phương giải quyết bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Tây Nguyên hiện còn những vướng mắc về đất đai, do đó địa phương cần ngồi lại với các nhà đầu tư để phân rõ trách nhiệm, cùng nhau giải quyết; vấn đề nào vượt quá tầm của địa phương thì trình các bộ, ngành để xem xét tháo gỡ…
Nhân dịp này, UBND các tỉnh đã trao 06 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp; 02 biên bản thỏa thuận nghiên cứu khảo sát giữa các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônvới doanh nghiệp; trao 02 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp.