Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ I tại Trung Quốc

Thứ hai - 30/09/2024 03:19 66 0
Ngày 29/9/2024, Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc. Lễ hội được tổ chức tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh. Đây là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh, phân phối tất cả các loại trái cây của thế giới nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. 
Phát biểu tại Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Lễ hội trái cây Việt Nam với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” - sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, bên lề Kỳ họp lần thứ 13, Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa - nơi đây được xem là thiên đường của các loại cây nhiệt đới; đặc biệt, có nhiều vườn cây trái trù phú, trải dọc đất nước, cùng sự đa dạng, tinh tế của nhiều loại trái cây (từ vị ngọt ngào mọng nước của Chôm chôm, Nhãn, Bưởi da xanh, Dưa hấu; sự giải nhiệt thanh mát của Dừa tươi, Thanh long; đến hương vị kỳ lạ của Măng cụt, Chanh leo và sự tuyệt vời, béo ngậy của Mít, Sầu riêng). Với sản lượng hàng năm từ 12-14 triệu tấn, các sản phẩm trái cây của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 3,5 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh các mặt hàng trái cây tươi, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây chế biến, như Trái cây sấy khô, Mứt hoa quả, Rau củ quả nghiền, Nước ép hoa quả…

Trong suốt những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên…Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước ngày càng phát triển sâu, rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, bất chấp sự suy giảm của kinh tế thế giới. 
 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thành Nam phát biểu tại lễ hội
Điển hình, Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và thứ 5 thế giới của Trung Quốc; về cung cấp trái cây và sản phẩm từ trái cây, Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc (sau Thái Lan và Chilê) với nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Đặc biệt, với sự hợp tác của các cơ quan chức năng và sự nỗ lực của doanh nghiệp hai nước, ngày càng có nhiều trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là những sản phẩm có chất lượng nổi trội, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và có cơ sở đóng gói được chuẩn hoá, bao bì, nhãn mác phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và thế mạnh của mỗi Bên. Hiện nay, trái cây Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên mậu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam.
Đối với các địa phương khác thì sự xuất hiện của các sản phẩm trái cây Việt Nam còn khá khiêm tốn; trong khi nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào; cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên, cùng vị trí địa lý “núi liền núi, sông liền sông”, thuận lợi cho việc vận chuyển. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
thể thấy, việc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Thủ đô Bắc Kinh là sáng kiến của liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt NamViệt Nam nhằm góp phần triển khai, hiện thực hóa các cam kết và quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa qua
Mặc dù tổ chức lần đầu, song Lễ hội đã thu hút, quy tụ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc (hầu hết các loại trái cây hiện diện ở đây đều đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc).
Trong khuôn khổ Lễ hội này sẽ diễn ra các hoạt động giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, phân phối trái cây Trung Quốc; Chương trình trải nghiệm sản phẩm và Tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Đây là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác tiềm năng về nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc; đồng thời, là dịp thuận lợi để đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc có cơ hội trải nghiệm trực tiếp chất lượng và hương vị đặc trưng, khác biệt của các loại trái cây Việt Nam, nhất là đối với người tiêu dùng tại Thủ đô Bắc Kinh và các địa phương phía Bắc Trung Quốc - nơi chưa có điều kiện tiếp cận thường xuyên với trái cây chất lượng cao của Việt Nam, từ đó giúp quảng bá thương hiệu quốc gia cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc. 

Nhấn mạnh về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cho hay: “Sự kiện này cũng sẽ là tiền đề, kinh nghiệm để tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn và không chỉ ở Bắc Kinh, mà còn ở các địa phương khác của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường rộng lớn này”. Qua đó, đề xuất, các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hoá và giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, thương mại song phương giữa 2 nước, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước; nhất là tiếp tục mở cửa thị trường, mở rộng danh mục các loại trái cây, nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc để góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn những hương vị trái cây độc đáo, thơm ngon của Việt Nam đến bạn bè, người tiêu dùng Trung Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để nhiều loại trái cây Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, cũng như giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, bởi thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi. Cùng với đó, tin tưởng, với sự tương đồng về văn hóa, ẩm thực, cùng với sự hiểu biết, quan tâm ngày càng cao về sức khỏe và sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tự nhiên, chất lượng cao của người dân, trái cây và sản phẩm từ trái cây của Việt Nam chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt của nhiều người tiêu dùng thông thái Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho biết, Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây được tổ chức và là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước được thưởng thức những trái cây thơm ngon, tinh khiết của Việt Nam. Sự kiện lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu kết quả hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại nông sản giữa hai quốc gia. Đây cũng là cơ hội rất quý để các doanh nghiệp của cả hai bên kết nối, giao thương, thúc đấy hợp tác phát triển ngành hàng trái cây của hai nước.
Tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc) Lý Ngạn cho biết, Việt Nam - Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, là đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, người bạn tốt của nhau. Dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế thương mại là động lực chính cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Kể từ năm 2004, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kể từ năm 2016, Việt Nam chính là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho thấy kể từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra toàn thế giới.
Với nỗ lực chung của hai bên, các loại trái cây chất lượng cao của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài… đã có mặt trên thị trường 1,4 tỷ dân. Đồng thời, các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam như cà phê, phở… cũng được rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Cùng với việc triển khai toàn diện của Hiệp định RCEP cũng như việc liên tục nâng cấp Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, hợp tác giữa hai nước về công nghệ, tiêu chuẩn, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sâu rộng hơn.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quảng bá trái cây tại Bắc Kinh. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này, tích cực tìm hiểu thị trường Trung Quốc”, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ mong muốn. "Tôi cũng hy vọng, người dân Bắc Kinh sẽ nắm bắt cơ hội hiếm có này, để thưởng thức trái cây thơm ngon Việt Nam và giới thiệu hương vị trái cây độc đáo này cho bạn bè, người thân của mình”.

Một lượng lớn nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mang đến nhiều loại trái cây và rau quả nhiệt đới phục vụ cho người tiêu dùng Trung Quốc, đáp ứng được nhu cầu đa dạng về thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc.
Cũng theo tìm hiểu của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Tạp chí DN và TTVN, Bắc Kinh là một thành phố quốc tế hóa với dân số lên tới 30 triệu người và nhu cầu về nông sản chất lượng cao là vô cùng lớn. Trung tâm Tân Phát Địa là nơi cung cấp rau củ quả chính cho người dân thủ đô, cung cấp tới 90% nông sản tại Bắc Kinh. Năm 2023, tổng khối lượng giao dịch nông sản tại Tân Phát Địa đạt 15,16 triệu tấn, tổng kim ngạch giao dịch đạt 126,7 tỷNDT. Tỷ lệ tự cung cấp nông sản của Bắc Kinh là rất thấp, hầu hết nông sản đều đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu từ nước ngoài.
Tin rằng, lễ hội Trái cây Việt Nam là một hội chợ triển lãm lớn tại Bắc Kinh, có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cũng phản ánh sinh động hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tạo ra cơ hội quý báu để kết nối và trao đổi giữa các doanh nghiệp nông sản Trung Quốc và Việt Nam; song song với đó chắc chắn sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng phát triển.
Tác giả bài viết: Đỗ Minh Phương
Nguồn tin: Phòng Kinh tế hợp tác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây