Giá mủ cao su tăng vọt
Nguyễn Quang
2020-11-03T08:18:49-05:00
2020-11-03T08:18:49-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/van-phong-so/nong-nghiep-cac-dia-phuong/Gia-mu-cao-su-tang-vot-30.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/van-phong-so/2020_11/cs.jpg
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Phước Online trưa ngày 2-11, giá mủ cao su đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua giúp người nông dân trong tỉnh Bình Phước phấn khởi.
Theo nông dân trồng cao su trong tỉnh Bình Phước, giá mủ cao su bắt đầu tăng từ trung tuần tháng 9-2020. Cụ thể giá mủ cao su nước hiện ở mức 380 đồng/độ (trung bình mủ cao su nước đạt từ 35-40 độ), tương đương 13 – 14 ngàn đồng/kg mủ nước. Anh Văn Nho ngụ khu phố Long Điền 2, phường Long Phước, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), có 3ha cao su đang khai thác cho hay, giá nhân công khai thác hiện ở mức 250.000 đồng/nhân công/nửa ngày làm việc. Trung bình 1ha (tương đương 500 gốc, 15 ngày khai thác) hiện cho thu nhập khoảng 8,5-9,5 triệu đồng/tháng, thậm chí có những vườn giống tốt, 1ha đạt hơn 12 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. “Thời điểm đầu vụ (cuối tháng 5) giá mủ nước chỉ ở mức 8-9 ngàn đồng/kg, sau khi trừ nhân công người trồng lời ít, nhưng từ giữa tháng 9-2020, giá mủ liên tục tăng nên nông dân ai cũng vui mừng. Chúng tôi không biết tại sao giá tăng mạnh thời gian qua nhưng thấy tăng ai cũng phấn khởi...", anh Nho nói. "Nông dân chúng tôi mong rằng giá mủ cứ ổn định ở mức cao để có cuộc sống ấm no, ổn định hơn. Ở địa phương này người người trồng cao su, ngành ngành trồng cao su nên cuộc sống cũng “lên xuống” theo giá mủ, giá cao thì cả làng vui, còn giá thấp thì cả làng buồn” – anh Nho nói thêm. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nguyên nhân đẩy giá mủ cao su tăng mạnh thời gian qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra trầm trọng trên toàn cầu. Mặt khác, do tình hình bất ổn chính trị diễn ra ở Thái Lan – quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới - ngừng hoặc giảm khai thác. Thêm nữa, nhu cầu ở Trung Quốc tăng mạnh theo đà sản xuất công nghiệp của quốc gia này, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm vì các nhà sản xuất đang chật vật mà không đáp ứng đủ nhu cầu. Cũng theo ANRPC, sản xuất cao su ở khắp khu vực Đông Nam Á, nơi chiếm 2/3 tổng cung cao su thiên nhiên toàn cầu, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu lao động do COVID-19 và lũ lụt cũng như các hiện tượng thời tiết bất lợi khác tại Thái Lan và Việt Nam. Hiện khoảng cách cầu – cung đang nới rộng và các nhà kinh doanh cao su lo ngại tình trạng thiếu cung sẽ còn trầm trọng hơn nữa do những bất ổn về chính trị ở Thái Lan tiếp tục diễn ra và đại dịch COVID-19 tiếp tục trầm trọng trên quy mô toàn cầu. Giá cao su tấm hun khói (RSS3) physical (hàng thực) của Thái Lan đã tăng 76% trong năm nay, và riêng tháng 10 tăng 36%. Giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Osaka (Nhật Bản) ngày 29-10 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 2-017, tăng đến hơn 40% so với cuối tháng 9-2020. Giá cao su trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đang đứng ở mức cao nhất 3 năm, sau khi tăng 26% từ đầu năm đến nay. Giá tại Singapore và Thái Lan cũng tăng mạnh. Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) và Trung tâm Tình báo Kinh tế (có trụ sở tại Bangkok), nhu cầu găng tay cao su trên toàn cầu đã tăng hơn 20% trong năm nay lên 360 tỷ chiếc do đại dịch COVID-19 - mức tăng nhiều kỷ lục trong lịch sử. Cũng theo MARGMA - Malaysia, một trung tâm sản xuất găng tay cao su, nơi đóng chân của hãng sản xuất găng tay hàng đầu thế giới Top Glove, đã chứng kiến xuất khẩu găng tay cao su tăng vọt 48% trong 6 tháng đầu năm 2020. MARGMA cũng dự đoán tình trạng thiếu găng tay cao su trên toàn cầu sẽ còn kéo dài tới quý I-2022. Theo Hội đồng cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), sản lượng cao su cả năm 2020 của Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm khoảng 9,8% (tương đương 859.000 tấn), so với mức 8,79 triệu tấn của năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục giảm vào đầu năm 2021. Nguyên nhân giảm bởi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới việc thu hoạch mủ cao su, thời tiết bất thường và dịch bệnh vàng lá. Cũng theo ITRC, trong khi sản lượng giảm thì nhu cầu của Trung Quốc dự báo lại tăng mạnh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang
Nguồn tin: Bộ phận TT và BVTV-Văn phòng Sở