Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm có thể lây sang người

Thứ hai - 17/02/2014 01:28 702 0
Ngày 13/02/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Hội nghị bàn về việc xây dựng và thống nhất các nội dung của “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm có thể lây sang người”
Tham gia cuộc họp có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện của các Tổ chức :WHO, FAO, USAID; đại diện của Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải... và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến tháng 2 năm 2014 ở Trung Quốc đã có 308 người mắc, trong đó có 73 ca tử vong do nhiễm vi rút cúm A/H7N9. Hiện nay đã phát hiện thấy vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và người tại tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Việt Nam. Tổ chức FAO nhận định, Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, vì vậy rất cần xây dựng kế hoạch chủ động ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với vi rút cúm A/H7N9 khi xâm nhập vào Việt Nam. Với mục tiêu chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam, Hội nghị đã xây dựng các giải pháp tích cực, phương pháp “Một sức khỏe” trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế để triển khai toàn diện, hiệu quả nhất. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm là đầu mối chung sẽ chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với vi rút cúm A/H7N9. Thường xuyên báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ các thông tin cập nhật về cúm A/H7N9. Định kỳ giao ban trực tuyến với ban chỉ đạo các tỉnh và cung cấp thông tin cập nhật về cúm A/H7N9 cho các cơ quan báo, đài. Kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp, ứng phó với từng tình huống, huy động hệ thống chính trị của từng địa phương cùng tham gia phòng chống dịch. Theo kế hoạch hành động, hàng hoạt các biện pháp sẽ được triển khai đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương bao gồm: Các giải pháp kỹ thuật tổng hợp từ kiểm soát chặt chẽ các tỉnh biên giới, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, quà biếu, tổ chức vệ sinh tiêu độc khu vực cửa khẩu, đường mòn, phương tiện. Kiểm soát buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm tại chợ, điểm thu gom ở địa bàn có nguy cơ cao... Tăng cường công tác truyền thông, Bộ N&PTNT phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng thông điệp, chương trình truyền thông phù hợp với từng tình huống để tuyên truyền thay đổi nhận thức của nhân dân, giảm thiểu nguy cơ và an toàn dịch bệnh. Sau khi các đại biểu thảo luận, góp ý, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thay mặt Bộ NN&PTNT cám ơn các tổ chức Quốc tế đã tham dự Hội nghị, đã có những ý kiến đóng góp thiết thực trong việc xây dựng bản kế hoạch cũng như đã giúp đỡ Bộ NN&PTNT nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong công tác phòng chống dịch và nhiều hoạt động khác. Bộ trưởng đã nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế để tích cực ngăn chặn dịch cúm A/H7N9, luôn bám sát thực tế để có ứng biến linh hoạt, kịp thời.
Nguồn tin: Văn phòng điều phối NTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây