Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian tới

Thứ năm - 04/11/2021 04:04 696 0
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, trong đó chú trọng những biện pháp sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ động bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng vùng, chuỗi sản xuất thịt gà để xuất khẩu trên địa bàn quản lý theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/2/2020, Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 20/2/2020 của UBND tỉnh Bình Phước và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn; đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, Viêm da nổi cục, Dại, Tụ huyết trùng trâu bò, Dịch tả heo cổ điển...
- Tập trung thực hiện tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10/2021- 25/11/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đăng ký hóa chất thực hiện tháng vệ sinh, sát trùng về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để được cấp phát.
- Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài này.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Đài Phát thanh-Truyền hình huyện, UBND các xã, phường, thị trấn  và các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện tăng cường công tác thông tin, truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Các xã, phường, thị trấn đang xảy ra Viêm da nổi cục trâu, bò và Dịch tả lợn Châu Phi cần nhanh chóng khống chế, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận cơ sở, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.
- Tăng cường công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, tích trữ hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
- Thành lập và chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đối với các huyện biên giới tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.
- Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
-  Chủ động bố trí kinh phí thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn các tháng cuối năm 2021 và kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn theo sự phân cấp của UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.  Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 trên địa bàn tỉnh. 
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đồng thời bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định; nhất là tại các huyện, thị xã, thành phố đang có bệnh dịch  Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài.
-  Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
-  Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Tổ chức chuẩn bị hóa chất, vắc xin, vật tư liên quan chuyển giao cho các địa phương tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng và công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
+ Tiếp tục phân công bố trí cán bộ chuyên môn trực các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết để tiếp nhận thông tin và lấy mẫu kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với các địa phương  lấy mẫu chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
+ Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật,… nhất là trong trường hợp không thể đến cơ sở để tổ chức thực hiện.
3. Sở Tài Chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí bố trí kinh phí để tổ chức triển khai các Chương trình Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
4. Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tỉnh (theo Quyết định số 3433/QĐ-UBND ngày 31/12/2020):
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
5. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên:
Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã phối hợp với chính quyền địa phương sở tại tăng cường công tác thông tin, truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


 
Tác giả bài viết: Uông Sợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây