Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ năm - 26/08/2021 23:52 477 0
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 22 xã, phường thuộc 08 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 1.679 con với trọng lượng 88.299,7 kg.
Để kiểm soát tốt bệnh DTLCP, xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch DTLCP trong đó chú trọng, tập trung một số nội dung như sau:
1. Đối với các huyện Hớn Quản, Đồng Phú và Bù Gia Mập và các huyện khác đang có dịch DTLCP chưa qua 21 ngày, nhanh chóng xử lý triệt để các ổ dịch theo quy định và triển khai thực hiện quyết liệt, cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn các xã đang có dịch và trên địa bàn toàn huyện không để dịch bệnh dây dưa, kéo dài, lây lan ra diện rộng. Thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã đang có dịch chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp chống dịch, không để dịch tiếp tục phát sinh và lây lan.
2. Khi có dịch bệnh phát sinh, thực hiện phong tỏa ngay ổ dịch, thực hiện cách ly, tiêu hủy ngay đàn lợn bị bệnh, chết và tiến hành thực hiện ngay biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng và các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh khác theo quy định.
3. Tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh DTLCP. Việc tiêu hủy lợn đảm bảo thực hiện đúng theo quy định. Đối với lợn khỏe mạnh tại cơ sở có lợn mắc bệnh DTLCP khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP có thể được vận chuyển, giết mổ như sau: Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện. Đối với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ thuộc địa bàn cấp tỉnh.
4. Tổ chức triển khai việc kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, đặc biệt kê khai với UBND cấp xã trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn lợn đối với chăn nuôi nông hộ.
5. Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn đến tận cơ sở chăn nuôi. Huy động các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cộng đồng tham gia giám sát dịch bệnh. Khi phát hiện lợn bị bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì báo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu xác định mầm bệnh, đồng thời xử lý các ổ dịch phát sinh, không chờ kết quả xét nghiệm.
6. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt: cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; không sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp.
7. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch bệnh theo quy định. Khi có dịch bệnh phát sinh, thực hiện báo cáo hàng ngày (từ 15 giờ đến 16 giờ) về tình hình dịch bệnh; nội dung báo cáo đề nghị báo cáo cụ thể từng ổ dịch, điều tra nguyên nhân dịch, số bệnh, số chết, số cách ly, tiến độ, kết quả xử lý ổ dịch về Sở Nông nghiệp và PTNT (thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
         
 
Tác giả bài viết: Uông Sợi
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây