Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022

Chủ nhật - 09/01/2022 20:50 15.478 0
Dự báo khí hậu các tháng mùa khô năm 2021- 2022 thuận lợi hơn so với vài năm gần đây. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến khó lường, một số hồ chứa chưa tích đủ nước (đặc biệt là các hồ chứa thủy điện) nên dự báo hạn hán, thiếu nước vẫn có thể xảy ra, do đó Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 30/UBND-KT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
1. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh:
- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
- Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo vận hành tích nước hồ chứa hợp lý, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả cho cả mùa khô năm 2022. Khi xảy ra hạn hán, thiếu hụt nước, tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước ưu tiên cung cấp nước cho dân sinh, chăn nuôi và cây trồng lâu năm…
- Xây dựng, rà soát kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông xuân 2021 ÷ 2022.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
- Triển khai hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống hạn trong mùa khô 2021 ÷ 2022.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Phước thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn hán, lưu ý sắp xếp thứ tự ưu tiên cấp nước cho dân sinh, chăn nuôi, cây lâu năm.
- Hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới. Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức và tăng cường tổ, đội quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cộng đồng dân cư nơi có rừng. Tập trung chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng. Bố trí cán bộ, nhân viên Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ tại các nơi có rừng trong thời gian cao điểm. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, các trang thiết bị, kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng. Xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, chủ động thực hiện công tác phòng chống hạn hán, cháy rừng, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Đồng thời, đề xuất kiến nghị Chính phủ có các chính sách phù hợp nhằm bảo đảm nhiệm vụ chống hạn trong mùa khô 2021 ÷ 2022 và cả lâu dài.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh:
- Tổ chức kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước kể cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán. Đối với cây hàng năm, cần đánh giá nguồn nước để có kế hoạch gieo trồng phù hợp, tránh thiếu nước gây mất mùa trong vụ Đông xuân và vụ Hè thu.
- Để tăng nguồn nước dự trữ cho mùa khô tới, ngay từ bây giờ thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước ở các ao, hồ có sẵn; xây dựng các đập tạm trữ nước, tu bổ, nạo vét kênh mương, cống, bọng; xây dựng kế hoạch điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm cụ thể cho từng nguồn nước để sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
- Cần xác định cụ thể vùng đảm bảo tưới, vùng có nguy bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo nhân dân sản xuất phù hợp như điều chỉnh theo hướng chuyển đổi cây trồng thường xuyên bị hạn hán sang các cây trồng khác chịu hạn tốt hơn hoặc tạm dừng canh tác khi thiếu nước.
- Chỉ đạo Ban bảo vệ rừng của huyện rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, có phương án phòng, chống cháy rừng tại các xã, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tại cơ sở.
- Tuyên truyền cho nhân dân để dự trữ nguồn thức ăn thô, nước uống, bảo đảm cấp nước cho các đàn gia súc, gia cầm trong trường hợp xảy ra hạn hán lâu dài.
- Trên cơ sở các giải pháp phòng, chống hạn trên, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán. Nếu vượt quá ngân sách địa phương thì báo cáo UBND tỉnh để xem xét, hỗ trợ.
4. Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước, các đơn vị quản lý hồ chứa và đơn vị quản lý công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh:
- Cần có kế hoạch ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Trong trường hợp cần thiết do nắng nóng kéo dài phải ngưng cấp nước tưới để ưu tiên phục vụ cấp nước dân sinh.
- Kiểm tra, lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng kịp thời các công trình thủy lợi, công trình cấp nước do đơn vị mình quản lý, khai thác. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, cửa lấy nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đã hợp đồng, nhằm giảm thiểu tổn thất; kiểm tra hệ thống đường ống cấp nước nhằm phát hiện, sửa chữa kịp thời, tránh thất thoát lãng phí.
- Kiểm tra, rà soát toàn bộ các diện tích tưới của từng khu vực tưới, số hộ sử dựng nước sạch của từng khu dân cư để có kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu trong cùng một hệ thống. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí.
- Tổng hợp nhu cầu gieo trồng vụ tiếp theo của nhân dân để có kế hoạch hợp đồng tưới cụ thể, phù hợp với tình hình nguồn nước của từng công trình, thông báo cho nhân dân biết, tránh tình trạng khi thu hoạch vụ Đông xuân xong nhân dân xuống giống tự phát, không tập trung và nguồn nước không đảm bảo.
- Thường xuyên theo dõi mực nước hồ, có kế hoạch vận hành công trình tưới, cấp nước cụ thể, tránh tình trạng nước trong hồ bị cạn kiệt, nhất là các hồ chứa đang nuôi trồng thủy sản và hồ chứa có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt.
- Kiểm tra tình hình hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt do đơn vị quản lý nhằm phát hiện kịp thời các hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp để đề xuất sửa chữa, nâng cấp kịp thời, có phương án vận hành công trình phù hợp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2021 ÷ 2022.
- Chuẩn bị phương tiện vận chuyển nước sạch để kịp thời cấp nước cho nhân dân các vùng thiếu nước nghiêm trọng khi hạn hán xy ra.
5. Các Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và các Chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh:
Trong suốt các tháng mùa khô 2022, ngoài việc xả nước phát điện, phải ưu tiên thực hiện xả nước hoàn lưu về sông, suối để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống phía hạ lưu các hồ.
6. Sở Công thương, Điện lực Bình Phước:
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về thủy điện. Yêu cầu chủ các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh trong các tháng mùa khô phải xả nước hoàn lưu về sông, suối để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân sinh sống dọc lưu vực phái hạ lưu hồ.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất và cho công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
7. Sở Tài chính:
Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí nguồn vốn để hỗ trợ các ngành và địa phương chống hạn kịp thời, hiệu quả.
8. Đài Khí tượng Thủy văn Bình Phước:
Nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết, nguồn nước, cung cấp kịp thời cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các địa phương để chỉ đạo đối phó với mọi tình huống bất lợi có thể xảy ra.
9. Các cơ quan thông tin đại chúng:
Đài phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước, Đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền về tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, để vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán. Biểu dương kịp thời những địa phương, cơ sở đã chủ động và có những sáng kiến chống hạn mang lại hiệu quả cao.
Tác giả bài viết: Vũ Lan Phương
Nguồn tin: Chi cục Thủy lợi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây