Triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm
Hồ Quang Thành
2024-04-15T03:38:14-04:00
2024-04-15T03:38:14-04:00
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tt-chi-dao-dieu-hanh/trien-khai-cong-tac-tiem-phong-cho-dan-gia-suc-gia-cam-2926.html
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2024_04/tiem.jpg
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ngoài thực hiện các biện pháp như chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển… thì biện pháp tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là một giải pháp quan trọng nhất và phù hợp với tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm được triển khai trong nhiều năm qua đã khống chế được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn cổ điển, Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn…Đồng thời chứng minh đây là biện pháp kinh tế nhất cho ngành chăn nuôi.
Năm 2024, theo kế hoạch, tỉnh tổ chức phát động chiến dịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tập trung 02 đợt trong năm, đợt 1 vào khoảng tháng 04 - 07; đợt 2 vào khoảng tháng 09 - 11; ngoài các đợt tiêm phòng chính, thực hiện tiêm phòng bổ sung liên tục cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính và số gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh, đến thời gian tiêm phòng. Với các mục tiêu tiêm phòng phải đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc đối tượng tiêm phòng trên từng địa bàn. Cụ thể như sau:
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm: Đối với đàn trâu, bò tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng; Đối với đàn lợn tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng và Dịch tả lợn cổ điển; Đối với đàn dê, cừu tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng; Đối với đàn gà, chim cút tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm (thể độc lực cao) và Niu cát xơn; Đối với đàn vịt, ngan tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm (thể độc lực cao) và Dịch tả vịt; Đối với đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh Dại động vật.
Tiêm phòng cho gia cầm
Đối với đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ (Có tổng đàn gia cầm quy mô từ 2.000 con trở xuống; trâu, bò từ 20 con trở xuống; lợn nái, lợn đực giống từ 20 con trở xuống, lợn thịt từ 50 con trở xuống) thực hiện chính sách tiêm phòng miễn phí. Theo kế hoạch, dự kiến trong năm sẽ triển khai tiêm phòng miễn phí cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng là: 120.400 liều vắc xin Lở mồm long móng, 20.290 liều vắc xin Dịch tả lợn cổ điển, 48.975 liều vắc xin Viêm da nổi cục, 33.630 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò, 35.847 liều vắc xin Dại, 2.364.400 liều vắc xin Cúm gia cầm và 2.142.700 liều vắc xin Niu-cát-xơn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức mua vắc xin, vật tư liên quan giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi không thuộc diện tiêm phòng miễn phí: Định kỳ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của trang trại; Thời gian tiêm phòng thực hiện theo lứa tuổi động vật nuôi của trang trại và hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin; Chủ cơ sở chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng và chịu mọi chi phí thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
Việc chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là quy định bắt buộc của Nhà Nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có chăn nuôi. Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn xã phải chịu trách nhiệm theo quy định của Pháp luật. Cụ thể tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
Để thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị và các địa phương tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện tốt các nội dung kế hoạch tiêm phòng và các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền; Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và các quy định về tiêm phòng cho người chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; Khuyến khích người chăn nuôi chủ động thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi, không trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước; Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đến thôn, ấp, khu phố trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng theo quy định.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để chủ động ngăn chặn, phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, chủ động theo dõi kế hoạch tiêm phòng của địa phương để nuôi nhốt gia súc, gia cầm tại chuồng nuôi và hỗ trợ lực lượng thú y tiến hành công tác tiêm phòng đảm bảo nhanh gọn, đúng quy trình kỹ thuật.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn gia súc, gia cầm. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và người chăn nuôi cần phải tổ chức thực hiện tốt công tác này nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Tác giả bài viết: Hồ Quang Thành
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y: