Việt Nam đã chủ động được vắc xin lở mồm long móng
Quang
2017-12-19T02:47:39-05:00
2017-12-19T02:47:39-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-trong-nuoc/Viet-Nam-da-chu-dong-duoc-vac-xin-lo-mom-long-mong-1615.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2017_12/new-picture-1_2.png
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Việt Nam đã chính thức sản xuất và chủ động được vắc xin lở mồm long móng. Đây là thông tin nổi bật tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.
Đại diện Chi cục Thú y vùng VI - Bạch Đức Lữu cho hay, sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí khoa học, kỹ thuật theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Chi cục Thú y vùng VI đã chọn ra 3 vi rút có khả năng phát triển thành vắc xin. Từ đó, chọn 1 mẫu vi rút lở mồm long móng type O có tên "RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của OIE. Chi cục Thú y vùng VI đã chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho 3 doanh nghiệp trong nước dùng để sản xuất vắc xin. Hiện các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai, dự kiến, quý 2 năm 2018 sẽ có vắc xin sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành. Và tiến tới không phải nhập khẩu vắc xin lở mồm long móng. Đây là lần đầu tiên ngành thú y Việt Nam và doanh nghiệp phối hợp sản xuất được vắc xin lở mồm long móng đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bởi hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu 100% lượng vắc xin, trung bình mỗi năm cần 40 - 50 triệu liều vắc xin từ ngoài vào với chi phí lên tới 20 - 30 triệu USD. Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, năm 2018 ngành tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch, bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát. Đặc biệt là kế hoạch tiêm phòng vắc xin sớm để chủ động phòng bệnh trước thời điểm có thể xảy ra hạn hán, mưa lũ... vệ sinh, tiêu độc khử trùng, dự phòng vắc xin và hóa chất để xử lý các ổ dịch. Bên cạnh đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản... Theo Cục Thú y, năm 2017, nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, vẫn còn có một số ổ dịch xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa chủ động lập kế hoạch phòng, chống dịch và bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Mặc dù, hiện không có ổ dịch nào nhưng Cục Thú y cũng khuyến cáo các địa phương không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là nơi có ổ dịch cũ, nguy cơ cao... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh... Ngoài ra, Cục Thú y cũng ban hành 97 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm... với số tiền gần 4 tỷ đồng./.
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Phước Long-Bù Gia Mập: