KỸ THUẬT TRỒNG VÀ THÂM CANH ĐIỀU

Thứ năm - 22/08/2019 23:22 2.081 0
I. VƯỜN ĐIỀU THỜI KỲ KIẾN THIẾT CƠ BẢN: 1. Giống: Giống PN1 là giống được kiểm nghiệm qua thực tiển sản xuất tại Bình Phước và đã thể hiện tính vượt trội nhiều mặt; giống có tỷ lệ đậu quả 8-12 quả/chùm; năng suất cao trên 3 tấn/ha, cá biệt trên 5 tấn/ha; tỷ lệ nhân rất cao, trung bình trên 32%; kích cỡ hạt khoảng 145 hạt/kg. 2. Mật độ và khoảng cách trồng: Mật độ trồng 400 cây/ha, khoảng cách 5m x 5m. Khi cây giao tán, tỉa thưa, để lại mật độ từ 100 cây/ha, khoảng cách 10m x 10m. Sơ đồ mật độ, khoảng cách vườn điều trước và sau tỉa thưa x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x x Trước tỉa thưa (400 cây/ha; 5x5m). Sau tỉa thưa (100 cây/ha; 10x10m) 3. Thời vụ trồng: Đối với vùng Đông Nam bộ nên trồng sớm trong khoảng tháng 5-6 (âm lịch) giúp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Ngoài ra, có thể trồng trong mùa khô nếu chủ động được nguồn nước tưới. Chỉ trồng dặm khi vườn điều dưới 2 năm tuổi. Sử dụng 5% số lượng cây giống dự phòng để trồng dặm khi có cây chết. 4. Làm cỏ: Làm sạch cỏ xung quanh gốc cách mép tán 0,5 đến 1m. Cuối mùa mưa cần phát cỏ hay cày chống cháy để hạn chế cháy vườn. Khi vườn điều khép tán, làm cỏ 3 đợt mỗi năm, hai đợt đầu kết hợp với các đợt bón phân; đợt thứ 3 dọn vườn chống cháy và chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Tàn dư thực vật (lá khô, cành khô, cỏ dại,...) tốt nhất nên chôn vào hố hữu hiệu hoặc tạo thành luống, hoặc thành đống rồi phủ lưới để tạo nguồn hữu cơ bồi bổ cho đất. 5. Bón phân: a) Lượng phân, thời gian bón: - Phân hữu cơ: Sử dụng nguồn phân chuồng, rơm, rạ, lá cây,... để ủ phân hữu cơ bón cho điều. Lượng bón > 10 kg/cây/năm, bón vào đầu mùa mưa kết hợp với bón phân vô cơ đợt 1. Hoặc sử dụng phân hữu cơ thương mại để bón cho điều, lượng bón tùy vào tuổi cây và theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. - Phân vô cơ: Lượng phân vô cơ bón cho điều ở thời kỳ kiến thiết cơ bản Tuổi cây (năm) Lượng phân bón (kg/ha/năm) Ghi chú Urea Super Lân Kali Clorua 1 54 62 14 Chia làm 3 lần bón/năm 2 113 100 22 Chia làm 2 lần bón/năm Ghi chú: - Lần 1: Bón vào đầu mùa mưa; - Lần 2: Bón vào tháng 8 (âm lịch) b) Cách bón: Xẻ rãnh sâu 15-20cm gần rìa ngoài của mép tán, bón phân và lấp đất lại để hạn chế thất thoát phân bón. 6. Tỉa cành, tạo tán: Năm thứ nhất và năm thứ hai tiến hành tỉa bỏ các cành nằm sát mặt đất, để lại một thân chính và 3-4 cành cấp 1 cách mặt đất từ 50 cm trở lên, phân bố đều trên thân chính, các hướng tạo tán hình mâm xôi. Tỉa bỏ chồi vượt kịp thời. Với giống điều ghép ra hoa sớm nên cắt bỏ hoa của vụ đầu. II. VƯỜN ĐIỀU THỜI KỲ KINH DOANH: 1. Tỉa cành, tạo tán: Điều là cây ra hoa đầu cành nên năng suất tỷ lệ thuận với diện tích tán lá được chiếu sáng và mật độ chồi hoa. Tỉa cành, tạo tán cho điều nhằm gia tăng mật độ chồi và diện tích tán hữu hiệu; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; vườn điều thông thoáng; giảm sâu bệnh hại. Tỉa cành 2 lần trong năm kết hợp với việc làm cỏ, vệ sinh vườn và bón phân. - Lần 1: Khoảng tháng 4-5 (âm lịch) hàng năm, sau thu hoạch, trước khi cây ra đợt lá mới. - Lần 2: Khoảng tháng 7-8 (âm lịch) hàng năm, trước khi điều rụng lá, phân hóa mầm hoa. Cắt tỉa cành lớn cần cắt đúng vị trí cổ cành để vết thương nhanh lành sẹo, cắt 2 lần để tránh bị tước cây. Dùng nhớt thải quét lên mặt cắt để hạn chế mối mọt và sâu bệnh tấn công. 2. Bón phân: a) Lượng phân, thời gian bón: - Phân hữu cơ: Bón phân sau khi đã làm cỏ và tỉa cành, tạo tán. Tận dụng nguồn phân chuồng, rơm, rạ, lá cây để ủ phân hữu cơ bón cho điều. Lượng bón > 10 kg/cây/năm, bón vào đầu mùa mưa kết hợp với bón phân vô cơ đợt 1. Hoặc sử dụng phân hữu cơ thương mại để bón cho điều, lượng bón tùy vào tuổi cây và theo hướng dẫn sử dụng. - Phân vô cơ: Lượng phân vô cơ bón cho điều ở thời kỳ kinh doanh Tuổi cây (năm) Lần bón Lượng phân bón (kg/ha/năm) Urea Super Lân Kali Clorua 3 1 130 200 20 2 90 0 30 4-7 Tùy theo mức độ năng suất, mỗi năm tăng thêm 20-30% lượng phân bón 8 trở đi Điều chỉnh phân bón theo tình trạng và năng suất của vườn cây Ghi chú: - Lần bón 1: Bón vào đầu mùa mưa; - Lần bón 2: Bón vào tháng 8 (âm lịch) b) Cách bón: Xẻ rãnh sâu 15-20cm gần rìa mép mép tán (đối với vườn chưa giao tán) hoặc giữa hai hàng điều (đối với vườn đã giao tán), bón phân và lấp đất lại để hạn chế thất thoát phân bón. 3. Hỗ trợ ra hoa, tăng khả năng đậu trái và phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn điều: 3.1 Chăm sóc vườn điều giai đoạn làm trái: a) Dọn vệ sinh vườn: Cần thực hiện sớm vào thời điểm ngay trước khi cây điều ra hoa và nuôi trái. Chú ý phát quang các bụi cỏ; cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành dưới tán không hiệu quả,... Tàn dư thực vật (lá khô, cành khô, cỏ dại,...) tốt nhất nên chôn vào hố hữu hiệu hoặc tạo thành luống, hoặc thành đống rồi phủ lưới để tạo nguồn hữu cơ bồi bổ cho đất. b) Xử lí gây rụng lá: Là việc làm cho Điều rụng lá giúp cây bung đọt mạnh, chồi khỏe, ra hoa sớm và tập trung, thuận lợi cho khâu chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại. Đồng thời việc điều rụng lá đều và đúng thời điểm sẽ cho thu hoạch sớm và tập trung, hạn chế gặp mưa đầu vụ làm giảm phẩm chất hạt điều, giá bán sẽ tốt hơn. Thời điểm xử lí rụng lá được chia thành 2 trường hợp như sau: Trường hợp 1: Khi vườn điều bón phân đầy đủ, trên vườn Điều có lá già vàng không đều và rụng từ 10-15% thì có thể xử lí rụng lá bằng hoạt chất Thiourea hoặc KNO3. Trường hợp 2: Nếu trên vườn Điều còn xen kẽ lá già, lá non không nên xử lí rụng lá như trường hợp 1. Lúc này nên sử dụng các loại phân bón lá có tỷ lệ Kali cao (7-7-49 hay 7-5-44,...) phun lên lá giúp ổn định tầng lá và hỗ trợ phân hóa mầm hoa. c) Chăm sóc giai đoạn cây ra chồi non, ra hoa, đậu trái: Lần 1: Khi đọt ra khoảng 6 lá ổn định, cần phun phân bón lá có hàm lượng Kali cao trên 30%, hàm lượng Đạm thấp dưới 7% (như 6-30-30, 7-5-44, 7-7-49,...) kết hợp thêm thuốc sâu nhằm giúp đọt mập, mạnh, phân hóa mầm hoa tốt, phát hoa vươn dài và hạn chế sâu hại. Lần 2: Khi có trên 2/3 số đầu đọt ra hoa, cần phun phân bón lá chuyên dùng cho điều, kết hợp thêm Botrac và thuốc sâu, thuốc bệnh nhằm bảo vệ đọt, phát hoa, và tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu trái. Lần 3: Khi trái đã đậu nhiều, to bằng đầu đũa ăn cơm, đây là thời điểm trái rất dễ bị rụng, vì vậy cần bổ sung phân bón lá chuyên dùng cho điều và chú ý bổ sung thêm Botrac, Canxi, cũng như thuốc sâu, thuốc bệnh để giúp dưỡng trái tốt. Ghi chú: - Trong giai đoạn này cần chú ý đến sâu, bệnh gây hại để xử lý kịp thời, tùy theo điều kiện thời tiết mà có thể kết hợp một số thuốc trừ sâu, hoặc thuốc bệnh để phòng ngừa các loại sâu, bệnh hại chồi non, hoa, trái non nhằm giảm chi phí công lao động. + Đối với nấm bệnh: Cần phun phòng sớm khi chồi và phát hoa còn non (để bảo vệ chồi, hoa, trái non). + Đối với sâu hại: Thường xuyên thăm vườn, điều tra mật số trong vườn khi mức độ bọ xít muỗi, bọ trĩ, rệp sáp, bọ đục chồi và sâu róm đỏ,... có nguy cơ phát triển, tăng mật số thì sử dụng các biện pháp phun thuốc hóa học. - Đối với phân bón lá và chất kích thích phải phun đúng liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất: Phun dưới liều gây tốn công và không có hiệu quả; phun quá liều gây tốn thuốc, hại cây, gây rụng hoa, trái non. - Tùy tình hình khí hậu, thời tiết mà có thể tăng số lần phun xịt bổ sung cho phù hợp, nằm giúp bảo vệ đọt non, hoa, trái non và giúp vườn điều cho năng suất cao. III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI: 1. Bọ xít muỗi: - Đặc điểm gây hại: Có 2 loài bọ xít muỗi gây hại: Loài bọ xít muỗi xanh (Helopeltis theivora) phổ biến nhất, còn loài bọ xít muỗi đỏ (Helopeltis antonii) ít phổ biến hơn. Bọ xít muỗi hoạt động mạnh vào buổi sáng (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 16 giờ). Cả trưởng thành và ấu trùng bọ xít muỗi đều tấn công gây hại. Chúng làm cho chồi non, lá non, hoa và trái non bị chảy nhựa tạo điều kiện cho nấm tấn công gây giảm chất lượng và năng suất cây điều. - Biện pháp phòng trừ: + Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, thu gom cành, lá tiến hành hun khói để xua đuổi bọ xít muỗi đến gây hại. + Biện pháp sinh học: Bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến vàng, bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Đặc biệt, kiến vàng (Oecophylla smaragdina) là thiên địch hữu hiệu nhất. + Biện pháp hóa học: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi cây chuẩn bị ra lá non, hoa, trái non. Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Alpha-Cypermethrin (Alfathrin 5EC, FM-Tox 25EC, Motox 5EC,...); Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 60EC, Dragoannong 585EC,...); Cypermethrin (Wamtox 100EC, Tungrin 25EC, Sherbush 5EC, l0EC,...); Permethrin (Peran 50EC, Perrnecide 50EC,...);... Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. 2. Bọ trĩ: Thường phát triển mạnh trong điều kiện khô, gây hại mạnh vào sau tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Gây hại trên lá non, chồi non, hoa, trái non. Làm khô hoa, rụng trái hàng loạt, hoặc làm sần sùi trên vỏ hạt. Ngoài ra, vết chích của bọ trĩ có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công. Sử dụng thuốc có hoạt chất như Imidacloprid (Confidor 100SL,...); Thiamethoxam (Actara 25WG,...); Buprofezin (Applaud 10WP,...); Fipronil (Regent 800WG,...);... Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. 3. Bọ đục chồi (bọ vòi voi): Gồm 2 loại: Bọ đục chồi màu nâu và Bọ đục chồi màu xanh dương. (1) Bọ đục chồi màu nâu: thường đục một hàng khoảng 10 lỗ trên chồi và đẻ 1-2 trứng vào lỗ thứ 2 từ trên xuống. Trứng nở thành sâu non đục lên ngọn làm lá trên ngọn co lại, héo xanh sau chuyển sang màu nâu đen và ngọn bị chết khô. (2) Bọ đục chồi màu xanh dương: Thường chích vào chồi non làm cho chồi chết khô, ảnh hưởng đến cây điều. Sâu non ăn và sống trong chồi khô. Biện pháp phòng trừ: Khi phát hiện chồi non bị héo cần cắt bỏ và tiêu hủy chồi bị hại. Vào thời điểm cây ra đọt non hay vào thời điểm mật độ trưởng thành nhiều (tháng 1, tháng 5, tháng 9) cần tiến hàng phun lên cành non để phòng con trưởng thành đẻ trứng bằng các loại thuốc Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 60EC, Dragoannong 585EC,...); Chlorpyrifos Ethyl (Tiphosieu 400EC); Thiamethoxam (Actara 25WG,...); Permethrin (Peran 50EC, Perrnecide 50EC,...);... 4. Sâu đục thân: Trưởng thành (xén tóc) đẻ trứng vào vỏ gốc cây từ 1,5m trở xuống mặt đất. Ấu trùng nở ra đục vào phần mô cây, ăn mô cây tạo thành các lỗ có nhiều ngỏ ngách. Ở đầu miệng đường lỗ có nhựa cây và mùn cây bị đùn ra. Cây vàng lá và chết dần. Biện pháp phòng trừ: Dùng dung dịch Bordeaux 1:4:15 (1CuSO4:4CaO:15H2O) quét quanh gốc từ 1,5m xuống sát gốc để ngăn ngừa xén tóc đến đẻ trứng. Khi mới phát hiện thấy cây bị hại dùng dao sắc đẽo bỏ phần mô cây bị hại để diệt sâu non và nhộng. Khi sâu đã đục sâu vào trong phần vỏ và phần gỗ, cần dùng các thuốc có tính xông hơi mạnh, có mùi rất nặng bơm trực tiếp vào lỗ hoặc tẩm thuốc vào bông gòn nhét vào lỗ rồi dùng đất sét bịt lỗ lại để thuốc xông hơi giết sâu. 5. Sâu đục cành: Gây hại nặng trên những vườn kém chăm sóc, cành bị đục có nhựa tiết ra, cành có thể gãy và chết khô. Biện pháp phòng trừ: Tiến hành tỉa cành, tạo tán 2 lần/năm trùng với trước 2 lần bón phân/năm; Tỉa thưa vườn điều (nếu vườn quá dày) và tỉa những cành bị nhiễm sâu bệnh, cành giao nhau, cành vượt, cành sà thấp sát mặt đất, cành khô,… Các cành lá sau khi tỉa bỏ phải được dọn khỏi vườn cây và đốt tiêu hủy sâu non và nhộng còn nằm bên trong; Vào tháng 2-3 (âm lịch) dùng bẫy đèn để bắt xén tóc nhằm hạn chế việc đẻ trứng vào mô cây; Vào tháng 3-5 (âm lịch) phun 2 lần cách nhau 1 tháng bằng thuốc có khả năng lưu dẫn, nội hấp, xông hơi mạnh như: Regent 800WG, Vibasudin 50ND, Viphensa 50ND, Bini 58 40ND,... để diệt sâu non. 6. Bệnh thán thư: Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, thường phát sinh trong điều kiện ẩm độ cao, mưa kéo dài và thiếu ánh sáng. Bệnh thường xuất hiện khi điều ra lá, có nụ hoa hoặc bắt đầu đậu quả, làm giảm năng suất và chất lượng hạt điều. Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc gốc đồng (Norshield 86.2wG,...) phòng bệnh khi cây đang ra lá non. Khi vườn điều đang ra hoa, trái non phun thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil, Tungvil 10SC,...), Difenoconazole (Score,...), Metalaxyl M+ Mancozeb (Ridomil Gold,...),... Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Lưu ý: Khi ẩm độ cao, sương mù nhiều cần đặc biệt chú ý phun thuốc; Khi điều đang thụ phấn, và lú trái non nên phun thuốc lúc sáng sớm hoặc chiều mát. 7. Bệnh cháy lá khô cành: Nguyên nhân là do nấm Pestalotia sp và Botryodiplodia kết hợp gây ra. Nấm bệnh thường xâm nhập qua vết thương cơ giới, hoặc do côn trùng cắn phá và lây lan qua không khí. Ngoài ra bệnh còn gây hại nặng trên những vườn điều chăm sóc kém, nhiều cỏ dại, bón phân không hợp lý. Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên thăm vườn phát hiện bệnh kịp thời; Vệ sinh vườn thông thoáng; Hạn chế côn trùng gây vết thương cơ giới như bọ xít muỗi, bọ đục chồi,...; Tiến hành phun phòng thuốc gốc đồng (Norshield 86.2wG,...) để rửa vườn khi thu hoạch xong, đồng thời phun phòng và trị bệnh bằng các thuốc có hoạt chất Azoxystrobin + Difenozonazole (AmistaTop, Azotop, Help,...),... khi điều ra hoa. Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Tác giả bài viết: Võ Đình Khánh
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay6,595
  • Tháng hiện tại189,642
  • Tổng lượt truy cập6,972,613
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây