KỸ THUẬT TIÊU HỦY BẮT BUỘC LỢN BỆNH VÀ SẢN PHẨM CỦA LỢN NHIỄM DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
Vũ Hường
2019-08-28T03:07:34-04:00
2019-08-28T03:07:34-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/ttdvnn/Tu-van-hoi-dap/KY-THUAT-TIEU-HUY-BAT-BUOC-LON-BENH-VA-SAN-PHAM-CUA-LON-NHIEM-DICH-TA-HEO-CHAU-PHI-57.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/ttdvnn/2019_08/huy.png
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dịch tả heo châu phi (DTHCP), bà con phải thông báo cho cán bộ thú y xã để liên hệ lấy mẫu xét nghiệm xem có dương tính với DTLCP không. Khi xác định lợn dương tính với bệnh DTHCP thì việc tiêu hủy lợn và các sản phẩm của lợn bệnh DTHCP là bắt buộc và phải thực hiện đúng quy trình. Hiện theo khuyến cáo có hai biện pháp tiêu hủy chính là chôn và đốt, nhưng đa phần các địa phương chọn chôn lấp bởi việc đốt vừa không có lò chuyên dụng lại tốn kém tiền bạc.
Nguyên tắc tiêu hủy lợn bị bệnh DTHCP như sau: Xử lý lợn trước khi chôn: Đầu tiên cần làm chết heo bằng điện hoặc các phương pháp khác (nếu có) trước khi tiêu hủy. Phương tiện vận chuyển: Các phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi máu và chất thải trên đường đi. Các phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh. Địa điểm tiêu hủy: Địa điểm tiêu hủy phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa khiến vi rút phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến các khu vực chăn nuôi an toàn khác. Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển. Địa điểm hố chôn khuyến cáo cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Kích cỡ hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn, theo quy định phải sâu từ 1,5 - 3 mét. -Các bước chôn lấp /uploads/ttdvnn/2019_08/huy_1.png Tiêu hủy heo tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng Sau khi đào hố, cần rải bạt sau đó rải lớp vôi củ (vôi chưa tôi) xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao, phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy. -Quản lý hố chôn Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo quy định.
Tác giả bài viết: Vũ Hường